Nông dân Mỹ Hưng nuôi bò sữa có hiệu quả

09/08/2021 - 06:22

BDK - Tháng 7-2020, Ban Quản lý dự án (DA) phát triển đàn bò sữa tỉnh triển khai mô hình nuôi bò sữa tại huyện Thạnh Phú. Có 13 hộ dân tại xã Mỹ Hưng đủ điều kiện tham gia DA. Mỗi hộ được cấp mới từ 3 - 4 con bò sữa từ trại bò Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, với tổng đàn của DA 41 con bò mang thai, trọng lượng khoảng 300kg/con. Đến nay, mô hình có hiệu quả.

Anh Nguyễn Thanh Long thu hoạch sữa bò.

Anh Nguyễn Thanh Long thu hoạch sữa bò.

Tổng kinh phí con giống thực hiện DA là 1,5 tỷ đồng. Trong đó, DA cho mượn hơn 1,3 tỷ đồng, còn lại các hộ dân đối ứng. Ngoài ra, DA còn cho mượn vốn để hộ dân xây chuồng trại, máy băm cỏ, máy vắt sữa… Trong quá trình nuôi, có 3 hộ không đảm bảo điều kiện nên xin rút ra và chuyển giao bò cho các thành viên khác. Để liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa, xã đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò sữa với các thành viên tham gia DA.

Ngoài số bò sữa ban đầu, cuối năm 2020 đến nay, DA phát triển đàn bò sữa tỉnh tiếp tục chuyển giao thêm 49 con bò sữa nữa tại huyện Ba Tri cho tổ nuôi bò sữa tại xã Mỹ Hưng. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cũng mua thêm 5 con bò, nâng tổng đàn bò hiện tại lên 95 con.

Hiện tại, đàn bò sữa của xã Mỹ Hưng phát triển tốt. Trong đó, có 30 con bò mẹ đang khai thác sữa. Bình quân mỗi ngày, tổ nuôi bò sữa khai thác từ 400 - 450kg sữa, với tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/ngày (giá bán ra trung bình khoảng 14 ngàn đồng/kg). Sữa bò sau khi thu hoạch, thành viên của tổ chuyển sữa sang trạm trung chuyển sữa Vinamilk tại huyện Ba Tri để bán. Trong mùa dịch Covid-19, UBND huyện Thạnh Phú có văn bản đề nghị UBND huyện Ba Tri cho phép tổ vận chuyển sữa tươi nguyên liệu bằng ghe máy để vận chuyển sữa kịp thời qua trạm trung chuyển sữa Vinamilk.

Anh Nguyễn Thanh Long, ấp Thạnh Mỹ, là một trong những hộ tiên phong nuôi bò sữa ở xã Mỹ Hưng cho biết, ban đầu do mô hình mới, anh gặp không ít khó khăn vì chưa nắm kỹ thuật chăm sóc, lấy sữa, bảo quản sữa... Đến nay, mọi thứ đã đâu vào đấy. Đàn bò được anh chăm sóc kỹ nên phát triển khá tốt. Đàn bò của anh Long có 10 con, trong đó 4 con đang cho sữa, với khoảng 50kg mỗi ngày, 2 con bò đang có chửa, còn lại là bò con. Sữa bò được khai thác 2 lần trong ngày, sáng lúc 5 giờ và chiều lúc 15 giờ. Hiện tại, mỗi ngày nguồn thu từ sữa bò được hơn 700 ngàn đồng, trừ chi phí ra anh lãi hơn 400 ngàn đồng, nguồn thu nhập này đáng phấn khởi.

Theo anh Long, người chăn nuôi bò sữa phải chịu khó, chăm bẳm từng con bò, nhất là việc ăn uống phải đảm bảo giờ giấc. Ngoài thức ăn chính là cỏ thì cần bổ sung thức ăn khô, thức ăn hỗn hợp. Sau khi vắt sữa, thì cung cấp thức ăn cho bò theo tỷ lệ vắt 10kg sữa thì phải bổ sung thêm 5kg thức ăn cho bò ngay sau đó.

Trong quá trình tham gia mô hình này, anh Long và các tổ viên khác được tạo điều kiện đến các trang trại nuôi bò sữa lớn ở huyện Ba Tri để tham quan, học hỏi kinh nghiệm, từ việc xây dựng chuồng trại đến cách pha chế thức ăn, trồng cỏ, phòng và trị bệnh... Nhờ tuân thủ đúng quy trình và kỹ thuật chăm sóc, đàn bò của hầu hết các thành viên phát triển khỏe mạnh, chất lượng sữa ngày càng được nâng cao. Tất cả 10 thành viên trong tổ hợp tác đều có vài con bò cho sữa, hộ nhiều nhất có từ 5 - 6 con cho sữa. Chọn được giống bò tốt, xây dựng chuồng trại thông thoáng, phòng bệnh tốt, thức ăn đầy đủ, cỏ có nhiều dinh dưỡng thì bò sẽ cho sữa đạt tiêu chuẩn của Vinamilk.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hưng Nguyễn Thị Lanh cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi bò sữa cho người dân đủ điều kiện. Xã kiến nghị lãnh đạo huyện quan tâm nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác; có chính sách hỗ trợ vốn cho thành viên tổ hợp tác. Khâu vận chuyển sữa còn khó khăn, do đó, cần sớm đặt trạm thu mua sữa tại huyện để người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình...

Bài, ảnh: Minh Mừng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích