Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế tỉnh nhà, bài 2:

Phát huy vai trò “trụ đỡ” của kinh tế nông nghiệp

06/05/2022 - 05:39

BDK - Năm 2021, khi địa phương cùng với cả nước trải qua cơn đại dịch Covid-19 kéo dài, chịu sự tác động nặng nề đến hầu hết các lĩnh vực thì nông nghiệp (NN) vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương (trên 3%), đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh vào cuối năm, khẳng định là “trụ đỡ” cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Bước sang năm 2022, tỉnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng từ 8 - 8,5% trong bối cảnh bình thường mới, ngành NN tiếp tục đóng vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, gắn với thúc đẩy du lịch, phát triển công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra vùng trồng bưởi xã Phú Đức (Châu Thành) theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra vùng trồng bưởi xã Phú Đức (Châu Thành) theo tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu.

Xây dựng vùng nguyên liệu

Tỉnh nghiên cứu, xây dựng một số vùng sản xuất tập trung gồm 15.000ha dừa hữu cơ, 340 cây ăn trái đặc sản, 310ha cây ăn trái khác, 100ha cây giống - hoa kiểng. Thực hiện phát triển ít nhất 500ha vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao; phòng tránh kịp thời dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; ứng phó́ với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Xây dựng hoàn thành Trung tâm Cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Có 45 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Thực hiện chuyển đổi số ngành NN. Triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU…

Bám sát các chỉ tiêu đó, trong 4 tháng đầu năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung đẩy mạnh các hoạ̣t động về̀ xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác, 55 hợp tác xã (HTX)  tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm NN chủ lực. Cụ thể, về chuỗi dừa, hiện toàn tỉnh đã có gần 14,5 ngàn ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có gần 9 ngàn ha đã đạt chứng nhận hữu cơ, chiếm gần 20% tổng diện tích dừa toàn tỉnh.

Một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng âm ngành NN trong quý I-2022 là do giá dừa nguyên liệu sụt giảm sâu trong gần 2 tháng nay; hoạt động xuất khẩu dừa xiêm cũng gặp khó. Điều này đang đặt ra thách thức cho mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu dừa và chất lượng chuỗi sản phẩm dừa. Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức, xu thế tiêu dùng sản phẩm dừa hữu cơ và dầu thực vật hữu cơ trên thị trường thế giới đang là tín hiệu rất khả quan cho sự phát triển ngành dừa Bến Tre.

“Nhiều tập đoàn nhập khẩu sản phẩm dừa có quy mô toàn cầu đang hướng sự chú ý rất đặc biệt vào vùng nguyên liệu dừa hữu cơ của tỉnh. Họ đã trực tiếp khảo sát và khẳng định chất lượng dừa Bến Tre là ngon nhất thế giới. Như vậy, Bến Tre đang đi đúng hướng, phù hợp xu thế thị trường thế giới. Việc giá dừa giảm là mang tính tạm thời và một phần do dừa đang vào vụ mùa, với sản lượng dừa thu hoạch năm nay rất cao. Việc các thị trường thế giới lựa chọn nhập khẩu sản phẩm dừa hữu cơ đang là cơ hội rất lớn cho người dân và doanh nghiệp Bến Tre trong thời gian tới…”, ông Huỳnh Quang Đức nêu.

“Mã vùng trồng” cho xuất khẩu

Ngành NN đang đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với địa phương rà soát, xây dựng thí điểm vùng sản xuất NN tập trung cho 6 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất gồm: cây dừa, cây bưởi da xanh (BDX), cây giống, hoa kiểng, con tôm, con bò, con heo.

Về chuỗi BDX, đã xây dựng vùng sản xuất theo chuỗi là 300ha. Riêng diện tích đạt chứng nhận VietGAP, toàn tỉnh hiện gần 400ha, với trên 300 hộ tham gia, tăng trên 14ha so với năm 2021. Theo lộ trình, đến tháng 6-2022, BDX Việt Nam sẽ được hoàn thành thủ tục để xuất khẩu lô đầu tiên sang thị trường Mỹ. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Chợ Lách) là DN xuất khẩu trái cây đầu tiên trong cả nước được Bộ NN&PTNT chọn thực hiện nhiệm vụ này.

Đóng vai trò dẫn dắt phát triển chuỗi BDX của tỉnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Thị Tường Vy cho biết: Công ty đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu lô BDX đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đây vừa là trách nhiệm lớn của doanh nghiệp (DN) đối với địa phương, vừa là cơ hội quý nên sẽ nỗ lực thực hiện tốt. “Để đáp ứng điều kiện, công ty liên kết với các HTX sản xuất BDX trên địa bàn tỉnh như HTX BDX Bến Tre, HTX NN Quới Sơn… để xây dựng mã vùng trồng. Đồng thời, liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để hỗ trợ nông hộ đầu vào sản xuất như kỹ thuật, phân bón, thuốc phòng bệnh theo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ”, bà Ngô Thị Tường Vy cho biết thêm.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã và đang triển khai công tác xây dựng, củng cố các mã vùng trồng BDX để xuất khẩu các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Xác định các DN xuất khẩu nông sản là đơn vị nòng cốt trong hoạt động xây dựng mã vùng trồng, chi cục đã triển khai đến các DN để đăng ký xây dựng mã vùng trồng. Ngoài Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tỉnh còn nhiều DN, HTX đã đăng ký xây dựng mã vùng xuất khẩu BDX sang các thị trường nước ngoài như: Công ty TNHH Vạn Vạn Lợi (Châu Thành), Công ty TNHH Green Powers (TP. Bến Tre), Tập đoàn Vina T&T (có nhà máy hoạt động tại huyện Châu Thành), HTX BDX Bến Tre…

Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp các địa phương, DN cơ bản hoàn tất thủ tục và các bước xây dựng các mã vùng trồng thí điểm để xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. “Tất cả nông hộ tham gia vào chuỗi và thuộc vùng trồng đăng ký xuất khẩu rất phấn khởi, tích cực tuân thủ các điều kiện xuất khẩu như: tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cấm; ghi chép nhật ký sản xuất; kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn; cập nhật thông tin diện tích sản xuất của nông hộ lên nền tảng số…”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết thêm.

“Sở sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo bản ký cam kết giữa sở với Chủ tịch UBND tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đạt được và sự nhận định, đánh giá đúng tình hình các khó khăn trong quý I-2022 sẽ là tiền đề, cơ sở quan trọng để ngành NN thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, tăng trưởng tốt hơn trong quý II và cả năm 2022”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho hay.

Các nhiệm vụ, giải pháp về phục hồi, tăng trưởng ngành NN trong năm 2022 được xác định cụ thể ngay từ đầu năm mới, thông qua bản cam kết giữa Sở NN&PTNT với Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, được ký vào ngày 7-2-2022 (tức vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Nhiệm vụ được cụ thể hóa thành 8 nội dung chi tiết và được triển khai, phân công trực tiếp đến các phòng, đơn vị trực thuộc sở. Đây được đánh giá là bước chuyển bộ mạnh mẽ, sáng tạo trong cách làm với quyết tâm chính trị cao của tỉnh nhằm tăng tốc phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN