Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN
Tế bào T là một loại tế bào bạch cầu, kết hợp với các kháng thể để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
Hiện tại, ImmunoScape đang hợp tác với công ty sản xuất vaccine Arcturus Therapeutis của Mỹ và một công ty khác có trụ sở tại châu Âu để tuyển hơn 70 người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tham gia nghiên cứu tại Singapore. Công ty Arcturus Therapeutis cũng đang làm việc với các nhà khoa học của Trường Y tế Duke-NUS để phát triển vaccine ngừa COVID-19 của riêng Singapore.
ImmunoScape đang tìm cách thu thập khoảng 250 mẫu tế bào T từ những người đã được tiêm vaccine tại Singapore cũng như tại các nơi khác trên thế giới. Mỗi người cung cấp mẫu tế bào trước và sau khi tiêm vaccine. Số lượng tế bào T được sinh ra và thời gian các tế bào này tồn tại trong cơ thể sẽ được đo lường theo thời gian.
Trong nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Đại học Oxford ngày 30-3-2021 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ và Đại học Johns Hopkins đã phân tích mẫu máu của 30 bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục trước khi xuất hiện các biến thể. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu khả năng những tế bào T "sát thủ" này có thể nhận ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil.
Các nhà khoa học đã phát hiện các tế bào "sát thủ" T phần lớn không bị ảnh hưởng khi cơ thể mắc virus SARS-CoV-2, trái lại chúng có thể nhận ra hầu hết các đột biến của các biến thể được nghiên cứu. Họ lưu ý rằng cần tiến hành các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận kết quả trên.
Theo các nhà nghiên cứu, điều khiến những biến thể này có những nét đặc trưng riêng chính là những biến đổi của chúng, đặc biệt tại vùng protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2, giúp virus xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người. Những đột biến ở vùng protein gai này cũng giúp một số biến thể trở nên khó nhận biết hơn đối với các kháng thể trung hòa - các protein chống lây nhiễm do các tế bào B của hệ miễn dịch sản sinh.
Mặc dù không ngăn chặn lây nhiễm virus vì chỉ "hành động" sau khi virus đã xâm nhập cơ thể, song tế bào T lại có vai trò quan trọng trongviệc "xử lý" tình trạng lây nhiễm đã bắt đầu trong cơ thể. Đặc biệt, tế bào T "sát thủ" có khả năng tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết của các tế bào đã bị nhiễm bệnh và tiêu diệt những tế bào này.
Trong cơ thể người, ngoài kháng thể, hệ miễn dịch còn sản sinh ra nhiều tế bào T có thể tấn công virus. Một số loại tế bào T được gọi là tế bào T "sát thủ" (tế bào CD8+ T), có khả năng truy tìm và phát hiện các tế bào nhiễm virus. Một số tế bào khác được gọi là tế bào "hỗ trợ" T (tế bào CD4+ T) rất quan trọng với các chức năng miễn dịch, trong đó có chức năng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào "sát thủ" T.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức