Kiểm tra các phương tiện vận chuyển heo tại chốt cầu Rạch Miễu. Ảnh: T.Thảo
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, qua rà soát 9 vấn đề tồn tại bất cập trong công tác phòng chống dịch được nêu trong báo cáo của Bộ NN&PTNT thì Bến Tre đang có 5 vấn đề.
Trước tiên là định mức thù lao cho người tham gia công tác phòng chống dịch (theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg) thấp hơn nhiều so với ngày công lao động thực tế. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng nuôi heo đan xen trong khu dân cư, nhà ở gần với chuồng heo, mật độ chăn nuôi cao… đây là khó khăn để áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi và nếu dịch bệnh xảy ra sẽ rất khó khống chế, kiểm soát nhanh.
Thêm nữa, tỉnh chưa có cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) nào được xây dựng mặc dù ngành thú y đã triển khai nhiều lần trên địa bàn toàn tỉnh. Nguyên nhân cơ sở, hộ chăn nuôi không tham gia vì khi đăng ký xây dựng ATDB phải tốn một số chi phí xét nghiệm và thực hiện một số nội dung về chăn nuôi, dịch bệnh nhưng giá cả đầu ra giữa cơ sở ATDB và cơ sở không ATDB không khác biệt.
Bên cạnh đó, do không còn quy định về kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật gặp khó khăn. Việc vận chuyển sản phẩm gia súc từ các điểm giết mổ ra chợ truyền thống còn bằng phương tiện xe máy (một số ít có thùng vận chuyển) nên chưa đảm bảo an toàn, khó trong công tác quản lý. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 235 điểm giết mổ và 1 lò giết mổ tập trung, tại các điểm, lò đều có bố trí nhân viên thú y kiểm soát giết mổ.
Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP), Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính. Trong đó, sở chủ động phối hợp với các huyện tổ chức kiểm tra tại các vùng chăn nuôi heo trọng điểm để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Chỉ đạo các chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, tăng cường hoạt động kiểm soát vận chuyển động vật để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vận chuyển trái phép, vận chuyển heo bệnh.
Chỉ đạo ngành thú y củng cố công tác thú y tuyến huyện, xã: tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn heo; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với heo nghi bị bệnh DTHCP. Phối hợp với các huyện có chăn nuôi heo trọng điểm tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn hộ chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành Công an, Quản lý thị trường, Giao thông vận tải để phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt trong công tác kiểm soát vận chuyển và giết mổ động vật. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo MTTQ các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh DTHCP.
Ngay sau hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng chống bệnh DTHCP ngày 14-5-2019, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện có mặt tại hội nghị, căn cứ tình hình thực tế phải chỉ đạo địa phương mình thực hiện ngay các việc Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu, không được lơ là, nhất là huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm. 8 chốt trạm, đặc biệt là chốt tại cầu Rạch Miễu, huyện Châu Thành phải quyết liệt kiểm tra đối với 100% phương tiện vận chuyển heo; chốt Mỏ Cày Nam, Chợ Lách phải tiêu độc chặt chẽ vì Hậu Giang đã có dịch rồi. Khi heo có giết mổ phải có kiểm tra, nhất là trên địa bàn TP. Bến Tre.
Thạch Thảo