|
Tham quan chương trình áp dụng sản xuất sạch hơn tại Công ty đường Bến Tre. Ảnh: H.H |
Đến nay, ở địa bàn tỉnh có trên 9.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN, trên 20 làng nghề TTCN được phân bố đều khắp các huyện, thành phố, đáng chú ý là phần lớn cơ sở sản xuất này đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động.
Theo điều tra của Sở Công thương, giai đoạn 2006-2010, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất tăng bình quân 14,13%/năm. Các sản phẩm chủ yếu của ngành luôn giữ ổn định và tăng trưởng khá. Ngoài các sản phẩm truyền thống, trên địa bàn tỉnh còn sản xuất được nhiều sản phẩm mới như: thức ăn nuôi thủy sản, cơm dừa tươi đông lạnh, bột sữa dừa, mụn dừa ép, bao bì nhựa, tole cán, dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP, khăn dệt, cá đóng hộp, dây điện ô-tô… và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ dừa ngày càng phong phú về mẫu mã và chủng loại. Trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh thì chế biến chiếm khoảng 96%, riêng ngành chế biến thủy sản và chế biến dừa chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành. Thành công lớn của ngành công thương là đã hình thành và đưa vào hoạt động 2 khu công nghiệp: Giao Long và An Hiệp, góp phần tạo ra giá trị sản xuất cho ngành công nghiệp năm 2010 khoảng 650 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất của ngành, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động, góp phần quan trọng đưa tỷ trọng GDP công nghiệp không ngừng tăng (từ chỗ chiếm tỷ lệ không đáng kể trong nền kinh tế của tỉnh, đến năm 2010 chiếm 14%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân là 19,32%/năm (từ năm 2006-2010), năm 2010 đạt 230 triệu USD, chủ yếu từ sản phẩm chế biến dừa, thủy sản và may mặc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các ngành công nghiệp trọng tâm là công nghiệp khai thác và chế biến. Về công nghiệp khai thác, chủ yếu là khai thác muối (đa phần là muối thô) và khai thác cát lòng sông. Với 2 ngành khai thác này, quy trình thực hiện rất đơn giản, sử dụng rất ít máy móc thiết bị, nhìn chung tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn là không thể hiện rõ. Về công nghiệp chế biến, chủ yếu là chế biến, sản xuất các sản phẩm từ dừa và chế biến thủy sản. Ngành công nghiệp đang áp dụng song hành nhiều quy trình công nghệ sản xuất khác nhau, từ đơn giản đến tiên tiến, nhưng trên bình diện chung thì trình độ công nghệ của công nghiệp Bến Tre vẫn còn mang nặng tính thủ công và công nghệ truyền thống, mức độ lạc hậu so với các nước trong khu vực khoảng từ 2-3 thập niên. Việc đầu tư cho công nghệ và thiết bị chỉ được thực hiện tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc doanh nghiệp mới. Còn lại, do nguồn lực còn hạn chế, nên các doanh nghiệp không áp dụng các hình thức chuyển giao công nghệ mà tự thiết lập quy trình sản xuất sao cho phù hợp với trình độ, năng lực sản xuất và nguồn vốn của doanh nghiệp. Đa số chủ doanh nghiệp chưa qua đào tạo chuyên nghiệp về kỹ năng, kiến thức quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động thấp, tiêu hao nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu lớn.
Thực trạng trên cho thấy sản xuất công nghiệp chưa gắn với chuyển giao công nghệ mới và thiết bị hiện đại. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất lao động của ngành thấp, sản xuất tuy có tăng trưởng nhưng thiếu vững chắc, khả năng mở rộng thị trường và tính cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp tỉnh nhà còn hạn chế. Đây cũng là vấn đề lớn đặt ra cho việc đầu tư đổi mới quy trình công nghệ và máy móc, thiết bị cho ngành công nghiệp trong thời gian tới; đồng thời với việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư, nhập thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp mới, để ngành công nghiệp Bến Tre không gặp trở ngại khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn đối với ngành công nghiệp Bến Tre trong thời gian tới khá lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều có tiềm năng giảm lượng tiêu thụ nguyên, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng từ 10-15%. Vấn đề quan trọng là Nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp và điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp cần tự nguyện tích cực tham gia vì sự phát triển ổn định bền vững.