Tình yêu thời chiến giữa chàng lính quân báo và nàng y sĩ dân y

16/10/2024 - 05:25

BDK - Đã hơn 50 năm trôi qua, đôi uyên ương năm nào nay đã lên chức ông bà, vượt xa cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tình cảm ấy vẫn “tương kính như tân”, vẫn mặn nồng, thủy chung son sắt, tiếng gọi “anh, em” vẫn ngọt ngào, tha thiết, vẹn nguyên như thuở nào được gói gọn trong hai câu thơ chú sáng tác gắn trước sảnh lễ tuyên hôn năm 1972 của cô Minh Hoa và chú Thanh Hùng: “Gái đất Bến sắt son tròn đạo vợ/ Trai Mỹ Tho chung thủy vẹn tình chồng”.

Cô Minh Hoa và chú Thanh Hùng.

Tình yêu đôi lứa hòa quyện tình yêu Tổ quốc

Trong một dịp tình cờ đi cùng chuyến xe từ Tiền Giang đến Vũng Tàu, tôi nghe được cuộc trao đổi điện thoại (mở loa lớn) giữa hai người bạn chiến đấu năm xưa: “Chị khỏe không, đang đi đâu vậy?”, “Tôi đang đi Vũng Tàu, thăm anh Mười Tiến (cán bộ Đoàn tàu không số)”, “Chị đi với ai, có anh Ba đi không?”, “Tôi đi với mấy người bạn, không có anh Ba”, “Hỏi chị vậy thôi chớ tôi biết dễ gì không có anh Ba đi”… rồi cả hai người cùng cười vang trong điện thoại.

Từ cuộc điện thoại vừa rồi giữa hai cô cán bộ hưu trí cộng với động tác dìu nhau lúc lên xe, sự quan tâm, trò chuyện, cách xưng hô anh, em giữa cô chú… làm tôi quá ngưỡng mộ và muốn biết về cuộc sống đời thường của cô Ngô Thị Minh Hoa (81 tuổi) và chú Dương Thanh Hùng (83 tuổi) hiện ngụ tại Phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Được “thiên thời” giúp cho bài học về tình yêu, tình cảm vợ chồng, tôi không bỏ lỡ cơ hội này, với quãng đường gần 200km, chưa tính những đoạn đường kẹt xe, nên có thời gian trò chuyện và nghe cô, chú kể “chuyện tình” thời chiến của mình, một câu chuyện tình thật đẹp như “huyền thoại”.

Cô kể chuyện tình yêu mà như trải lòng mình, chuyện tình cô chú rất đời thường nhưng hấp dẫn như cuốn “tiểu thuyết”: Gặp nhau tình cờ trong một buổi đón đoàn bộ đội hành quân về vùng căn cứ rừng Thừa Đức (Bình Đại), Cô y sĩ dân y 28 tuổi Ngô Thị Minh Hoa và anh bộ đội Quân báo 30 tuổi Dương Thanh Hùng như một cái duyên tiền định và được anh em mai mối sau một năm tìm hiểu, ngày 12-4-1972, tại vùng căn cứ - cồn Bà Tư (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại), diễn ra lễ Tuyên hôn giữa chàng chiến sĩ tình báo kỹ thuật Thanh Hùng và nàng y sĩ Minh Hoa. Tuy hôn lễ tổ chức đơn sơ, không trầu, không rượu, không pháo, không hoa nhưng rất trang trọng, ấm áp trong tình yêu bao la và lời chúc phúc của đồng đội, đồng chí và gia đình. Tuần trăng mật của đôi uyên ương cũng thật khác lạ. Vì trong vùng căn cứ, nên hàng đêm chàng chèo xuồng đưa nàng ra bãi biển thưởng thức vẻ đẹp thơ mộng của bầu trời và những vì sao. Chàng và nàng say sưa ngắm trời, ngắm biển quê hương, tình yêu đôi lứa dạt dào đã hòa quyện với tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào khi có cùng chí hướng, được cùng cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Phóng tầm mắt xa hơn về phía biển Vũng Tàu, ngọn hải đăng sừng sững như khơi gợi niềm tin, ước mơ, hy vọng về một ngày mai tươi sáng của đôi uyên ương khi đất nước thanh bình, chàng và nàng sẽ sinh những đứa con khỏe mạnh, ngoan hiền, thành đạt tiếp tục sự nghiệp cách mạng của cha mẹ với những cái tên được chọn khi con chào đời: Hải Đăng, Hải Yến (con gái) - Hải Âu và Hải Phong (con trai).

“Trăm năm tình duyên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê”

Cuộc kháng chiến còn kéo dài, chàng và nàng chỉ gần nhau trong khoảnh khắc, do yêu cầu công tác của mỗi người, đòi hỏi họ tạm gác tình riêng, chung lo nhiệm vụ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chàng thì làm nhiệm vụ Trinh sát quân báo của Bến A101 - Bến Bến Tre (Bến tiếp nhận vũ khí của những con tàu không số, vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam); nàng là y sĩ của Ty Y tế Bến Tre được phân công ở bệnh xá để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ khi ốm đau, thương tích, khi thì đi xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, khám chữa bệnh cho nhân dân, khi thì về trường đào tạo cán bộ Y tá… Hơn nữa, cơ quan chàng và nàng ở xa, địa hình cách trở, đồn bót chằng chịt và sự càn quét, đánh phá ác liệt của quân thù nên điều kiện gặp nhau không phải dễ mà chỉ gặp nhau qua những cánh thư hoặc những giấc mơ. Dù thế nào thì chàng và nàng vẫn lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu thủy chung, son sắt của nhau.

Nhờ tình yêu mãnh liệt, sự động viên, quan tâm thường xuyên qua những dòng thư mà chàng và nàng gửi cho nhau có khi vài tháng mới đến tay người nhận, nhưng họ vẫn vững lòng tin “…Cách mạng còn phải trải qua một thời gian, chúng mình còn phải xa nhau, tương lai của chúng mình có lẽ đến một lúc với tương lai của Tổ quốc…” (trích tr. 81 - Nhật ký Thanh Hùng - Minh Hoa), “Chúng mình thấy sung sướng khi đã biết xử trí đâu là tình riêng đâu là nghĩa cả như anh thường nói. Tình yêu chúng ta nằm trong tình yêu đất nước, hạnh phúc của chúng ta trong hạnh phúc của toàn dân”… Đó là một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin tuyệt đối vào ngày mai tươi sáng, bởi vì dân tộc còn thì ta còn tất cả, dân tộc mất ta cũng không còn gì, đó là lẽ sống cao đẹp của những thanh niên thời hoa lửa. Xác định được tình yêu và trách nhiệm luôn hòa quyện vào nhau nên chàng và nàng tuy có xa nhau biền biệt nhưng tình yêu càng thêm mãnh liệt, trân quý hơn khi có dịp được gần nhau để bù đắp lại những ngày xa nhau “…gần bên nhau anh đã chăm sóc em từng miếng ăn, giấc ngủ, từng thau nước tắm, từng bộ đồ mặc…” (trích tr. 115 - Nhật ký Thanh Hùng - Minh Hoa). Tình yêu của chàng và nàng cứ thế mà lớn dần, lớn dần theo năm tháng.

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, niềm vui đã trọn vẹn, gia đình đoàn tụ, nhưng nhiệm vụ vẫn còn nặng nề, song thiên chức của người phụ nữ, của người vợ đã nhắc nhở nàng tình yêu đã đến hồi đơm hoa kết trái, đã đến lúc chàng và nàng vui mừng chào đón những đứa con lần lượt ra đời: Con trai đầu Dương Hải Đăng, chào đời ngày 25-11-1976. Rồi hai con trai nữa lần lượt chào đời Dương Hải Âu (3-7-1981), Dương Hải Phong (2-12-1982). Vậy là ước mơ đã thành sự thật, những đứa con vừa là niềm vui, niềm hạnh phúc tuyệt vời, minh chứng cho tình yêu của chàng và nàng. Vừa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa chăm lo gia đình vừa nuôi dạy 3 con nhỏ, song với tình yêu mãnh liệt của người lính từng trải qua mưa bom, bão đạn vào sống ra chết cùng những kinh nghiệm được trui rèn trong những ngày gian khó, chàng và nàng vừa công tác vừa chăm sóc, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học hành thành đạt, trưởng thành có việc làm ổn định, bên cạnh đó nàng còn phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục hoàn thành chương trình bác sĩ rồi Chuyên khoa cấp I để công tác đến ngày nghỉ hưu. Riêng chàng, do điều kiện gia đình nên đã xin chuyển ngành, để được công tác gần gia đình và hỗ trợ nàng nuôi dạy các con khi kinh tế gia đình còn khó khăn.

Đã hơn 50 năm, tình yêu của người nữ y sĩ dân y năm xưa và anh lính tình báo vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua, vẫn son sắt, thủy chung, đằm thắm, mặn nồng, như để bù lại những tháng ngày nhớ nhung, xa cách. Cô Hoa chia sẻ: “Tình yêu của cô chú bắt đầu từ tình yêu Tổ quốc, quê hương nên tình cảm vợ chồng đã hòa hợp với nhau từ suy nghĩ, việc làm, ai cũng muốn dành cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất”, còn với chú Hùng thì “Gặp được cô như duyên tiền định, một người con gái hiền dịu, giỏi giang, đảm đang, thủy chung son sắt, luôn là nguồn động viên, tiếp thêm nghị lực cho chú hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Chính vì thế mà tình yêu cô chú đã đi qua hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn đong đầy, ngày càng mặn nồng thêm

Xin chúc tình yêu thời chiến giữa chàng lính quân báo và nàng y sĩ dân y “trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê”.

Bài, ảnh: Kim Loan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN