Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh, bài 1

Rạng ngời tình yêu quê hương, đất nước

29/06/2020 - 06:52

BDK - Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và cũng là một trong những mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển các loại hình văn hóa, nghệ thuật; nơi sinh ra và tị địa của nhiều danh nhân văn hóa. Để ghi nhớ và tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của xứ Dừa, tỉnh đã duy trì hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống cách mạng 17-1 và Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh 1-7. Đây là sự kiện lịch sử, văn hóa có quy mô và tầm vóc, ngày càng lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Biểu diễn hát múa ca ngợi phong trào Đồng khởi năm 1960.

Biểu diễn hát múa ca ngợi phong trào Đồng khởi năm 1960.

Truyền thống yêu nước

Qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre là một trong những địa phương chịu rất nhiều hy sinh mất mát. Toàn tỉnh có hơn 35 ngàn liệt sĩ, 20 ngàn thương bệnh binh, gần 100 ngàn người đã có đóng góp công sức, xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, trong số hơn 35 ngàn liệt sĩ hiện còn trên 5 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa biết danh tính để đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Trong số hơn 6,8 ngàn mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), có mẹ chỉ có duy nhất 1 người con nhưng đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sĩ; có mẹ có đến 2, 3, 4… người con tham gia kháng chiến và đều hy sinh. Đặc biệt, mẹ Võ Thị Biện ở xã An Khánh, huyện Châu Thành có chồng và 7 người con là liệt sĩ.

Theo ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng của người dân Bến Tre đã có cội nguồn sâu xa từ xưa. Ông kể, từ thuở nhỏ, thế hệ của ông đã được bà nội ru ngủ bằng đọc thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như nhiều gia đình khác cũng vậy. Cho thấy, văn hóa “nghĩa hiệp”, “trừ gian” đã được vun bồi trong tư tưởng của con người Bến Tre từ lúc tuổi còn nhỏ. Bên cạnh đó, đất Bến Tre cũng là nơi đã tập hợp được rất nhiều danh nhân, danh tướng (sinh ra tại Bến Tre cũng có, ở nơi khác đến cũng có).

 “Từ đó đã kết tinh lại tinh thần yêu nước vừa là chống đế quốc, vừa chống phong kiến, chống lại triều đình nhu nhược. Những con người ấy có ý chí, có quyết tâm rất lớn. Quê hương này đã có nhiều tướng lĩnh, nhiều nhà văn hóa kiệt xuất như: Tiến sĩ Nam Kỳ lục tỉnh đầu tiên Phan Thanh Giản, nhà bác học tài ba Trương Vĩnh Ký và nhiều danh nhân khác như: Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu… Vào những thời kỳ khó khăn mà có lúc, Bến Tre có trên 30 cử nhân sinh sống. Cho nên, truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa đã được hình thành từ trước”, ông Trần Công Ngữ bày tỏ.

Ông Trần Công Ngữ cũng chia sẻ thêm: Chỉ có riêng Bến Tre, khi cô Ba Định đi về Bến Tre triển khai tinh thần Nghị quyết số 15, thì cô Ba Định mới gộp lại “đồng lòng, đồng loạt và khởi nghĩa” và gọi tắt là Đồng khởi. Nơi này, nơi khác cũng có nhen nhóm nổi dậy nhưng Bến Tre được triển khai Nghị quyết số 15, quán triệt tinh thần và có kế hoạch để nổi dậy đúng vào ngày 17-1-1960. Rồi từ Bến Tre, phong trào Đồng khởi lan rộng ra Nam Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đã từng khẳng định: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng lịch sử oai hùng về phong trào Đồng khởi Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn mãi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của quân và dân Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung. Mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta và đi vào lịch sử như một kỳ tích trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và tiếp tục được phát huy trong thời đại ngày nay”.

Phát triển văn hóa

Sau giải phóng, lãnh đạo tỉnh đã phát huy tinh thần Đồng khởi trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Bến Tre dần hàn gắn vết thương chiến tranh, thoát khỏi đói nghèo, từng bước nâng cao đời sống người dân, bảo tồn và phát huy truyền thống anh hùng trong công cuộc đổi mới.

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh 1-7.

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh 1-7.

Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Biến tinh thần Đồng khởi trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào “Đồng khởi” trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra xung lực chính trị mới, quyết tâm đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” được phát động từ năm 2015 - 2020, là điểm nhấn quan trọng để thực hiện thắng lợi cao nhất mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh. Trên tinh thần ấy, Bến Tre đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, ngày nay, vùng đất giàu truyền thống đấu tranh yêu nước của quê hương Bến Tre Đồng khởi anh hùng đã có nhiều đổi thay cùng cả nước. Với tiềm năng, cùng tinh thần cần cù, sáng tạo của nhân dân, Bến Tre đã và đang tiếp tục phát huy những giá trị lịch sử quý báu, tiếp bước cha ông để xây dựng quê hương phát triển, theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó, tập trung lãnh đạo phong trào “Đồng khởi mới”. Hướng đến mục tiêu giữ vững chính trị - an dân; phát triển hài hòa đời sống nhân dân; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, đồng thuận, đoàn kết.

“Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, ý chí, khát vọng vươn lên; lao động và chiến đấu quên mình. Đồng thời, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu làm rạng danh quê hương, đất nước; kế tục xuất sắc sự nghiệp cao cả mà bao lớp người đi trước đã dày công vun đắp”.

(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN