Các đại biểu tại buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.Ảnh: H. Hiệp
Tạo tán hình chóp cho sầu riêng
Ông Nguyễn Văn Hòa, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết: Năm 22 tuổi, ông bắt đầu trồng thử nghiệm 25 cây sầu riêng khổ qua xanh xen trong các khoảng trống của vườn dừa với diện tích khoảng 0,7ha. Năm 2000, sầu riêng bắt đầu cho trái nhiều, còn vườn dừa thì bị bọ dừa tấn công nên năng suất giảm đáng kể, giá chỉ khoảng 6.000 đồng/chục, thu nhập gần 7 công dừa nhưng so ra lại ít hơn 25 cây sầu riêng. Từ đó, ông Hòa quyết định đốn hết dừa chuyển sang trồng sầu riêng Ri6. Để vườn sầu riêng đạt hiệu quả, ông cải tạo bờ chiều ngang khoảng 4m, mỗi cây trồng cách nhau 6 - 7m, chiều cao gốc cây cách mặt nước tối thiểu khoảng 1,5m.
Từ năm 2000, cây cho trái nhiều. Năm 2006, ông áp dụng kỹ thuật để cây cho trái theo ý muốn. Lúc này, cây cao, nhánh nhiều, rất khó xử lý cho ra bông. Cây thường thân mềm, trái ra từ nhánh nên để nhánh dài thì rất dễ gãy khi có mưa bão và khó cắt trái. Cây quá cao cũng làm cho việc phun xịt thuốc khó khăn. Thấy vậy, ông Hòa cắt ngọn sầu riêng chiều cao khoảng 6 - 7m, cắt bỏ các cành gần mặt đất từ đất lên khoảng 1,2m; cắt những cành xấu để tạo cho cây có dáng hình chóp để lấy ánh nắng đầy đủ. Với cách làm này giúp cây giảm đổ ngã do mưa bão đến 90%. Minh chứng là, sau cơn bão số 9 năm 2008, những vườn không tỉa cành, tạo tán bị đổ ngã đến 70%, nhưng vườn ông chỉ bị đổ ngã khoảng 5%; quản lý sâu bệnh đạt trên 95%; giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 40%, giảm chi phí chăm sóc, ngược lại năng suất tăng khoảng 30%. Hiện với 1,5ha sầu riêng, chủ yếu là Ri6, năng suất đạt vượt trội, mỗi năm thu hoạch khoảng 45 tấn trái, lãi trên 2 tỷ đồng.
Bấm, bẻ càng tôm càng xanh toàn đực
Ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú chia sẻ mô hình “Bấm, bẻ càng tôm càng xanh toàn đực”. Với diện tích 10.000m2 vườn dừa, trong đó có khoảng 5.000m2 mặt nước, ông Đoàn chia ra làm 3 ao, trong đó có 1 ao giống, 2 ao tôm thương phẩm. Sau khi ươm được 3 tháng tuổi, ông bẻ càng lần 1 rồi đưa sang ao thương phẩm. Nuôi được 45 ngày, ông tiến hành bẻ càng lần 2, đồng thời cải tạo lại ao ươm chuẩn bị cho vụ 2. Thu hoạch xong vụ 1 thì vụ 2 ươm được từ 3 - 4 tháng, vậy là mỗi năm ông thu hoạch được 3 vụ.
Khi thu hoạch chia làm 3 đợt, sau khi nuôi 6 tháng thì thu tuyển, 7 tháng thu chính, 8 tháng thu dứt vụ. Trung bình 1 năm thu hoạch từ 1.400 - 1.600kg tôm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi trung bình từ 180 - 200 triệu đồng. Ông Đoàn cho biết: trong một lần tình cờ, lúc bẻ càng lần 2, tôi dùng tay thuận nắm chắc 2 càng thả mình con tôm vào thao nước lắc nhẹ qua lại tự động càng rớt ra nên tôm ít tổn thương. Ông Đoàn tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, đạt giải ba với giải pháp “Bấm, bẻ càng tôm càng xanh toàn đực”.
Sau 1 năm nuôi, ông Đoàn cải tạo lại ao bằng cách bơm bùn lên liếp dừa nhằm tận dụng nguồn phân hữu cơ, giảm 30% lượng phân hóa học sử dụng. Mỗi năm, ông thu lợi từ dừa từ 70 - 80 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Hiện vườn dừa của ông được trồng hữu cơ để cung cấp cho Công ty TNHH MTV chế biến dừa Lương Quới.
Chuyển tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho rằng: Người nông dân bắt đầu chuyển tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Thời gian qua, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất của nông dân; mùa vụ sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi khá tốt. Nhiều sản phẩm của tỉnh được chứng nhận hoặc đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu như dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, nhãn, sầu riêng, chôm chôm, heo, bò. Nông dân cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao như sầu riêng 1.116ha, chôm chôm 3.337ha, bưởi da xanh 8.799ha, cây giống trên 1.560ha. Trái cây được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ trên chôm chôm, sầu riêng, bưởi, dừa có tới 6.598ha. Nhờ vậy, hiệu quả sản xuất trên 1ha diện tích đất tăng từ 63 triệu đồng năm 2013 lên 112 triệu đồng năm 2018. Trên đất thủy sản tăng từ 246 triệu đồng lên 350 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân của nông dân nông thôn tăng từ 21 triệu đồng năm 2013 lên 34 triệu đồng năm 2018.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, để nâng cao hiệu quả các mô hình trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cần có sự liên kết các bên trong xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, chuyển dần nhận thức của cán bộ, nông dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xúc tiến xây dựng mẫu hình người nông dân mới thời hội nhập.
Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền
Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc Trần Văn Cai cho biết: Từ năm 2004 - 2019, qua tuyên truyền, vận động và phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, đã có 6.091 lượt hội viên đăng ký tham gia. Qua bình xét có 2.398 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề, 26 lớp tập huấn, 22 buổi sinh hoạt câu lạc bộ nông dân để chuyển giao khoa học kỹ thuật trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh, có 1.770 lượt hội viên tham gia. Phối hợp giới thiệu tạo điều kiện cho 571 lượt hội viên nông dân vay vốn với tổng số tiền 15,5 tỷ đồng.
Ông Cai chia sẻ, qua phát động phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cao như mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc; mô hình nuôi chim cút ở ấp Tân Hưng; mô hình nuôi lươn, ếch ở ấp Tài Đại; mô hình dệt thảm từ chỉ xơ dừa ấp Khánh Thạnh, Tân Hưng; mô hình trồng bưởi da xanh, nuôi bò vỗ béo ở ấp Tích Khách, Tích Đức, Tân Lợi… Từ đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 13,9% năm 2014 còn 5,13% năm 2019. Đạt kết quả trên là do hội mạnh dạn đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động để hội viên đồng tình hưởng ứng và tích cực đăng ký tham gia.
Hữu Hiệp