Công tác xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn TP. Bến Tre (tt)

Triển khai các công trình xử lý nước thải sinh hoạt

13/09/2024 - 05:30

Khảo sát các mô hình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường ở Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.

Về nước thải, việc xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt của hộ gia đình cũng được quan tâm; trong đó có 37.851/37.904 hộ có hố xí tự hoại, đạt 99,86%, hộ có xử lý nước thải sinh hoạt bằng hình thức phù hợp đạt 46%. Thành phố hiện có 8 khu dân cư đang hoạt động nhưng hiện chỉ có 4 khu có xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải (khu tái định cư Mỹ Thạnh An, khu dân cư Hưng Phú, khu nhà ở Sơn Đông, chỉnh trang khu dân cư đô thị Phú Khương) với tổng công suất 1.350m3/ngày và cơ sở sản xuất, kinh doanh và bệnh viện là 2.230m3/ngày trong khi lượng nước thải của cả thành phố phát sinh là 21.000m3/ngày (đạt 18%); đồng thời, thành phố cũng chưa đủ điều kiện để xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung nên phần lớn nước thải sinh hoạt hộ gia đình xả thải trực tiếp vào các đường thoát nước hoặc kênh, rạch. 

TP. Bến Tre đang phối hợp với Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tiến hành triển khai các nội dung nghiên cứu của đề tài nghiên cứu, áp dụng thí điểm công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt phân tán giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư trên địa bàn TP. Bến Tre theo Quyết định số 2475/QĐ-UBND ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh. Đến nay, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 50m3/ngày trên kênh Chín Tế - đoạn gần Sở Giao thông vận tải tỉnh. Đồng thời, thành phố cũng đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện Dự án thí điểm thoát nước bền vững (SUDS) để xử lý ngập cục bộ khu vực đường 30/4, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thương mại, dịch vụ, công tác xử lý chất thải cũng được quan tâm thực hiện, thành phố có trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường tập trung ở các xã như Mỹ Thạnh, Phú Nhuận, Bình Phú. Qua kiểm tra thực tế, đa số các cơ sở/doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; thu gom và xử lý chất thải, tuy nhiên việc vận hành công trình xử lý nước thải không đảm bảo thường xuyên. Do đó, từ năm 2023 đến nay, các ngành liên quan thành phố đã phối hợp tổ chức kiểm tra 52 lượt với 34 cơ sở/doanh nghiệp; ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 19 cơ sở với tổng số tiền 727,5 triệu đồng. Đồng thời, các ngành cũng hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn 3 trường hợp với tổng số tiền 823 triệu đồng.

Mặc dù thành phố đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải để nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường sống cho cộng đồng dân cư, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Chi phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của TP. Bến Tre cao; rác thải công nghiệp thông thường chưa có biện pháp xử lý hiệu quả; công tác phân loại rác thải tại nguồn mới thực hiện ở giai đoạn tuyên truyền, phổ biến là chính; chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện. Tình trạng để rác không đúng giờ, không đúng quy định còn diễn ra trên địa bàn, tập trung ở khu vực giáp ranh với các huyện lân cận như: xã Hữu Định (Châu Thành), xã Sơn Phú (Giồng Trôm), xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc). Công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về chất thải ở UBND các phường, xã chưa được thực hiện thường xuyên; chủ yếu là nhắc nhở nên không tạo được tính răn đe, giáo dục.

Vấn đề xâm nhập mặn sâu và sạt lở bờ sông (các xã Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Sơn Đông) cũng đang ảnh hưởng đến môi trường nước trên địa bàn thành phố; nhất là việc vận hành các cống ngăn mặn còn gây ô nhiễm môi trường các kênh rạch (rạch Cái Cối, rạch Thơm, rạch Trôm thuộc xã Mỹ Thạnh An). Việc kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xả nước thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn hạn chế...

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm, hiện nay, việc thu gom và xử lý rác thải của TP. Bến Tre vẫn còn là vấn đề nan giải do Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre ngưng hoạt động, phải vận chuyển rác đến bãi rác An Hiệp (Ba Tri) để xử lý nên chi phí cao, thời gian lấy rác có thay đổi, việc lấy rác trực tiếp của các xe ép rác không khả thi... Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre chưa có chức năng thu gom rác thải công nghiệp nên một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn phải xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp phế phẩm, chất thải rắn công nghiệp thông thường, gây rất nhiều khó khăn.

Theo Khoản 7, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại và thực hiện chậm nhất là ngày 31-12-2024; tuy nhiên đến nay tỉnh mới dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện (đang trong giai đoạn góp ý hoàn chỉnh dự thảo) nên việc thực hiện đạt mục tiêu theo kế hoạch là rất khó.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN