Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP

21/10/2022 - 05:43

Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng và đủ chuẩn xuất khẩu sản phẩm.  Ảnh: CTV

Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GAP mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng và đủ chuẩn xuất khẩu sản phẩm.  Ảnh: CTV

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh bắt tay vào thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long”. Dự án sẽ xây dựng mô hình thâm canh cây ăn quả quy mô 100ha, gồm: sầu riêng, bưởi, xoài, mít, theo tiêu chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, Bến Tre có 50ha (gồm 20ha mô hình thâm canh bưởi da xanh và 30ha mô hình thâm canh sầu riêng). Tỉnh Tiền Giang có 20ha mô hình thâm canh sầu riêng. Tỉnh Long An, có 15ha mô hình thâm canh mít. Tỉnh Đồng Tháp có 15ha mô hình thâm canh xoài.

Tính đến cuối tháng 9-2022, có 184 nông dân ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp tham gia dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, gắn với liên kết tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long”, với tổng diện tích 100ha. Trung tâm Khuyến nông  và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã ký hợp đồng 3 tỉnh và thực hiện 4 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về thâm canh xoài, sầu riêng, bưởi da xanh theo VietGAP cho nông dân tham gia mô hình; chăm sóc sầu riêng trong điều kiện hạn mặn, xử lý ra hoa, bón phân nâng cao phẩm chất trái của sầu riêng, tỉa cành tạo tán, hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc...

Dự án do Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện, thời gian 3 năm (từ năm 2022 - 2024), tại các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An. Mục tiêu chung của dự án là nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững vùng nguyên liệu sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Nâng cao năng lực, vai trò của hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu cụ thể gồm: Sản xuất 400ha cây ăn quả, gồm: xoài, mít, sầu riêng, bưởi thực hiện trong 3 năm theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất mô hình tăng từ 10% trở lên so với ngoài mô hình và kết nối với các dự án tạo vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận VietGAP. Xây dựng được 4 mô hình hợp tác xã tổ chức quản lý sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng từ 15% trở lên so với sản xuất đại trà. Mô hình được nhân rộng từ 20% trở lên so với quy mô dự án được duyệt...

Trần Vân - Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN