Xây dựng và hình thành vùng sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP

04/03/2022 - 06:02

BDK - Với quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh cần tập trung xây dựng và hình thành 750ha vùng sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP liên kết với doanh nghiệp (DN) trên địa bàn các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú và Bình Đại.

Sầu riêng Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ảnh: Văn Cử

Sầu riêng Chợ Lách tỉnh Bến Tre. Ảnh: Văn Cử

Liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Đến nay, toàn tỉnh có 104 tổ hợp tác (THT), 53 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có hiệu quả, liên tục được duy trì và phát triển bền vững.

Hình thức canh tác không ngừng cải tiến, đảm bảo mức độ ổn định của sản phẩm và đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến như quy mô canh tác hữu cơ liên tục được mở rộng với 16.177ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ (dừa 7.249ha; cây ăn trái 487,55ha; thủy sản 8.440,4ha).

Xuất xứ hàng hóa đã được tăng cường với 5 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận và 6 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chủ lực địa phương đã được công nhận.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang được tiến hành khẩn trương và đã cấp 23 mã vùng trồng (MVT) cây nhãn, chôm chôm, xoài và bưởi da xanh (nhãn 2 MVT với diện tích 47,26ha; chôm chôm 13 MVT với 130,13ha; xoài 5 MVT với 52,58ha; bưởi da xanh 3 MVT với 69,60ha); 31 mã cơ sở đóng gói (trong đó có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP).

Xây dựng vùng sản xuất cho 3 chủng loại trái cây chôm chôm, xoài, sầu riêng mỗi loại 250ha; xây dựng thêm 28 MVT, 4 nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và 300 ngàn tem truy xuất nguồn gốc; đào tạo, nâng cao chất lượng các THT, HTX, 100% đạt diện tích quy trình và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng thêm các DN liên kết đầu vào, đầu ra với các THT, HTX cho các vùng sản xuất sầu riêng, chôm chôm, xoài. Nâng tổng giá trị thu nhập 1ha sản xuất trồng trọt của tỉnh đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm. Riêng cây ăn trái: sầu riêng, chôm chôm, xoài là cây có giá trị kinh tế cao, giá trị thu nhập khoảng 250 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Vùng sản xuất cây ăn trái

Xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái quy mô 750ha, trong đó xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất xoài ở các xã Thạnh Phong, Thạnh Hải của huyện Thạnh Phú và xã Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phước của huyện Bình Đại; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích xoài lên trên 350ha. Xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất chôm chôm ở các xã Vĩnh Bình, Phú Phụng của huyện Chợ Lách và xã Phú Đức, Tân Phú, Tiên Long của huyện Châu Thành; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích lên trên 400ha. Xây dựng đạt 250ha vùng sản xuất sầu riêng ở các xã Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng... của huyện Chợ Lách và xã Tân Phú, Phú Đức, Tiên Thủy... của huyện Châu Thành; dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích lên trên 500ha.

Xây dựng chứng nhận VietGAP hoặc tương đương, tạo điều kiện thuận lợi cho THT, HTX liên kết với DN. Theo đó, các cơ quan có liên quan từng bước tư vấn, hướng dẫn chứng nhận sản xuất cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP 100% diện tích (750ha) theo lũy kế phân kỳ lần lượt: năm 2022 có 280ha, năm 2023 đạt 435ha, năm 2024 là 610ha và năm 2025 là 750ha.

Xây dựng MVT đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chính ngạch và truy xuất nội địa, thường xuyên cập nhật thông tin mở cửa thị trường của các loại nông sản chủ lực của tỉnh, hỗ trợ cho các THT, HTX và các DN trong tỉnh tiến hành xây dựng MVT phù hợp cho từng loại nông sản.

Thực hiện kết nối, liên kết DN; đẩy mạnh tìm kiếm các DN, ưu tiên cho những DN chế biến sau thu hoạch tiềm năng trong và ngoài tỉnh; chủ động liên hệ, liên kết với các DN, tổ chức ký hợp đồng đầu vào, đầu ra với THT, HTX của địa phương phù hợp với sự tham gia của các ban, ngành có liên quan.

Tùy theo tình hình phát triển cây ăn trái của từng địa phương, các mối quan hệ liên kết đầu vào và đầu ra không phù hợp nữa sẽ mạnh dạn bổ sung, thay thế thêm những DN tiềm năng, phát triển có nhiều tiềm năng để liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản thuận lợi và đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN