Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

20/08/2018 - 07:09

BDK - Ngày 5-8-2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, với mục tiêu: xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng phát triển ổn định, bền vững đối với 8 sản phẩm chủ lực (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng, heo, bò và tôm biển), có lợi thế cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thu hoạch chôm chôm ở Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Thu hoạch chôm chôm ở Châu Thành. Ảnh: Cẩm Trúc

Hình thành 3 chuỗi giá trị

Sau gần 2 năm thực hiện, toàn tỉnh có 1.166,24ha đất nông nghiệp được liên kết với doanh nghiệp (DN) để tiêu thụ nông sản, hình thành 3 chuỗi giá trị, gồm có: hơn 885ha dừa, 227ha bưởi da xanh và 54ha nhãn. Việc sản xuất theo chuỗi giá trị đã tạo được tín hiệu tích cực, nhất là gần đây, khi giá dừa khô xuống thấp, có lúc dưới 30 ngàn đồng/chục, các hộ dân trong chuỗi bán cho DN với giá tối thiểu 50 ngàn đồng/chục; các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) bưởi da xanh trong chuỗi tiêu thụ ổn định hơn 2.000 tấn/năm.

Thương hiệu luôn được quan tâm. Tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý bò Ba Tri, dừa xiêm xanh Bến Tre, bưởi da xanh Bến Tre, nhãn hiệu tập thể trái chôm chôm, trái măng cụt huyện Chợ Lách; 237,74ha cây ăn trái được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP, phần lớn diện tích chuỗi dừa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ. Qua xúc tiến đầu tư, tỉnh đã kêu gọi thành công 3 dự án đầu tư chế biến nông sản quy mô lớn (trong đó có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 1 triệu USD) để tăng cường năng lực tiêu thụ nông sản…

Kết quả bước đầu khá tốt, nhưng diện tích sản xuất theo chuỗi còn thấp, chiếm khoảng 1% so với tổng diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh; phần lớn nông dân vẫn còn tâm lý e ngại với hậu quả của HTX kiểu cũ, một số HTX mới thành lập hoạt động chưa hiệu quả nên chưa mạnh dạn tham gia HTX, THT; DN chưa đủ mạnh để đóng vai trò chủ lực trong liên kết, bao tiêu nông sản; chưa quan tâm nhiều đến xây dựng vùng nguyên liệu…

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện nghị quyết đạt kết quả trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới phương pháp và tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xem đây là xu thế sản xuất nông nghiệp phù hợp để nông dân chuyển tư duy sản xuất truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp. Qua liên kết với DN sẽ giúp nông dân tiêu thụ nông sản ổn định hơn, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Các đoàn thể, nhất là hội nông dân chủ trì, phối hợp chặt với ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh xây dựng tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu phục vụ nông dân; phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên...

Thu hoạch nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Mai

Thu hoạch nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Mai

Có chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ hoạt động của HTX, THT nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức này thông qua ổn định đầu ra với giá cả hợp lý, giảm chi phí đầu vào nhờ phát huy lợi thế về quy mô. Các HTX, THT thực hiện tốt việc tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật hiện đại cho nông dân, giải quyết tốt việc làm cho lao động tại địa phương, phối hợp với DN để thông tin nhu cầu thị trường để có kế hoạch sản xuất hiệu quả... Qua đó, sẽ khuyến khích nông dân tự nguyện tham gia chuỗi giá trị ngày càng nhiều.

Tăng cường nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt cơ chế xã hội hóa thông qua đặt hàng của nông dân, DN để vừa tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu vừa giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Đổi mới công tác đào tạo nghề nông thôn theo hướng đào tạo ngành nghề cụ thể, theo địa chỉ, nhu cầu của các HTX, THT; kết hợp với thực hiện tốt khuyến nông để kiểm soát, nâng cao chất lượng nông sản từ đầu vào.

Có chính sách hỗ trợ phát triển THT (hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP của Chính phủ) như hỗ trợ HTX. THT cũng là tổ chức kinh tế làm cầu nối nông dân với DN, nếu được hỗ trợ, 1.115 THT sẽ phát triển tốt hơn, là nguồn để chuyển thành HTX. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách khuyến khích DN xây dựng vùng nguyên liệu để liên kết với nông dân hình thành chuỗi giá trị.

Thực hiện tốt marketing địa phương để thu hút các DN lớn. Đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu cũng như người Bến Tre có uy tín đang công tác ngoài tỉnh để xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả cao. Thường xuyên chăm sóc các DN đang hoạt động, thông qua các DN này để xúc tiến đầu tư các DN mới, nhất là DN Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khi giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nông dân đang phụ thuộc vào nông nghiệp; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản chủ lực tỉnh nhà trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuỗi giá trị (Value chain) là một phức hợp gồm nhiều hoạt động trong nhiều khâu để biến nguyên liệu thô thành các sản phẩm có giá trị, bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Thông qua việc tương tác của các thành phần kinh tế trong từng khâu sẽ kiểm soát lẫn nhau để sản xuất có hiệu quả hơn. Qua phân tích chuỗi, có thể phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu trong từng khâu của chuỗi, giúp nhà quản lý xây dựng chính sách điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các khâu để phát triển bền vững.

Thế Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN