Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028

“Đoàn kết - Đổi mới - Năng động - Sáng tạo - Phát triển”

23/08/2023 - 05:32

BDK - Đại hội đại biểu Hội Nông dân (HND) tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-8-2023. Đại hội nhằm tổng kết những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2018 - 2023; đồng thời, đề ra các định hướng, giải pháp cho nhiệm kỳ mới. Lựa chọn những thành viên tiêu biểu để bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Bàn xung quanh nội dung trên.

Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến chụp ảnh với các đại biểu dự Liên hoan Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu  năm 2023. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến chụp ảnh với các đại biểu dự Liên hoan Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu  năm 2023. Ảnh: Hữu Hiệp

* Thưa Chủ tịch HND tỉnh! Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của HND tỉnh trong nhiệm kỳ qua?

- Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Bàn: Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã tích cực, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết về công tác hội và phong trào nông dân hàng năm, góp phần hoàn thành 11/11 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra. Nổi bật nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hàng năm, có trên 130 ngàn hộ đăng ký nông dân SXKDG các cấp, đạt 65% so với tổng số hộ nông nghiệp; toàn tỉnh hiện có 79.495 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp (cấp Trung ương 237 hộ, cấp tỉnh 2.975 hộ, cấp huyện 13.549 hộ, cấp xã 62.734 hộ), có 2.384 hộ nông dân SXKDG là tỷ phú. Hỗ trợ tiền, vật tư, cây, con giống quy giá trị trên 38 tỷ đồng, giúp 3.906 lượt hộ nghèo, khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.

Hội đã tổ chức 15 ngàn buổi tuyên truyền cho hơn 2 triệu lượt hội viên nông dân, 97 buổi tọa đàm về các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn cho 4.850 lượt người; xây dựng hàng trăm bài phóng sự, bài viết biểu dương gương tập thể, hộ nông dân SXKDG tiêu biểu.

Các cấp hội đã tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ tiết kiệm và vay vốn để giúp hội viên nông dân vay vốn thuận lợi hơn. Hiện tổng dư nợ do các cấp HND quản lý 1.241,336 tỷ đồng cho 36.880 hộ vay tại 988 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng 441 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất trong nông nghiệp, tăng khả năng liên kết chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm. Các cấp hội đang quản lý 307 tổ vay vốn cho 13.400 hộ vay, dư nợ 1.862,161 tỷ đồng, tăng 1.792,161 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Phối hợp với các công ty, đại lý bán trả chậm hơn 59 ngàn tấn thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống; 24.431 tấn phân bón, 215 máy nông nghiệp, ước trị giá trên 10 tỷ đồng.

Khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao của nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H. Hiệp

Khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao của nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Ảnh: H. Hiệp

Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành và doanh nghiệp tổ chức 2.331 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 58.275 hội viên, nông dân. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình trình diễn nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Các cấp hội đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp chung tay hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản; đã tổ chức cho hơn 367 doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi tham gia Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại. Triển khai nhiều giải pháp thiết thực để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; mở 173 lớp tập huấn cho 5.536 hội viên, nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, nhãn mác hàng hóa; phối hợp, hướng dẫn thành lập mới 84 hợp tác xã với 7.313 thành viên, 474 tổ liên kết, hợp tác sản xuất với 7.341 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 141 hợp tác xã với 31.881 thành viên, 1.150 tổ hợp tác với 21.399 thành viên; hỗ trợ xây dựng 17.846ha dừa hữu cơ, 20.946ha nuôi tôm công nghệ cao.

Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu thực tế và khát vọng làm giàu theo tinh thần “Đồng khởi khởi nghiệp” của những nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, năm 2018, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh được thành lập, sau đó mở rộng ra các huyện, thành hội. Hiện toàn tỉnh có 10 câu lạc bộ với 323 thành viên. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Trung ương hội ghi nhận, đánh giá cao và phổ biến nhân rộng toàn quốc.

* Nhiệm kỳ qua, bên cạnh kết quả đạt được, còn những khó khăn, hạn chế nào cần khắc phục?

- Một số hạn chế là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thời đại, xã hội, công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng; chưa thực sự khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo mạnh mẽ của nông dân.

Chế độ sinh hoạt định kỳ chi hội, tổ hội có lúc, có nơi chưa được duy trì thường xuyên; tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp; nội dung sinh hoạt đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Công tác phát triển hội viên mới một số nơi còn chạy theo số lượng, thành tích; đối tượng phát triển hội viên là học sinh, sinh viên, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý, theo dõi hội viên ở một số cơ sở hội vẫn còn thiếu chặt chẽ.

Chất lượng đội ngũ cán bộ hội cơ sở chưa đồng đều, thường xuyên biến động, năng lực tổ chức, chỉ đạo, điều hành tuy đã được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới công tác hội.

Chưa huy động được đông đảo hội viên, nông dân tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều; một bộ phận nông dân còn chậm đổi mới tư duy, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; sản xuất quy mô hộ vẫn là chủ yếu, chưa mạnh dạn tích cực tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; tính hợp tác trong sản xuất, liên doanh, liên kết còn thấp.

Mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Hoàng Vũ

Mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân huyện Mỏ Cày Bắc. Ảnh: Hoàng Vũ

* Xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong nhiệm kỳ 2023 - 2028?

- Trong nhiệm kỳ tới, HND tỉnh xác định “ Hai trọng tâm” và “ Hai đột phá”.

Hai trọng tâm: Đổi mới xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực, tâm huyết với công tác hội và phong trào nông dân, tận tụy phục vụ nông dân; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, xây dựng và củng cố cơ sở hội vững mạnh.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào nông dân; đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.

Hai đột phá: Xây dựng, phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp làm nền tảng phát triển các loại hình kinh tế hợp tác. Xây dựng lan tỏa hình mẫu người nông dân mới - nông dân chuyên nghiệp.

Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình lên một bước mới, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Từ đó nâng cao lượng và chất phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh xây dựng, nâng chất các mô hình kinh tế hợp tác, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái.

* Xin cảm ơn Chủ tịch HND tỉnh!

Ban Thường vụ HND tỉnh phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu HND các cấp và Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ X, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc HND Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Hiện nay, các cấp hội đã thực hiện xong 154 công trình, phần việc và đang thực hiện 8 công trình chào mừng Đại hội đại biểu HND tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Đối với hoạt động chào mừng của HND tỉnh, hội lựa chọn thực hiện những công trình thiết thực như trồng 1.100 cây xanh tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành và xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Vận động xây dựng xong 10 căn nhà tình thương; trao 30 bồn chứa nước cho hộ nông dân khó khăn; thực hiện công trình thắp sáng tuyến đường chiều dài 1.500m tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành. Vận động 150 triệu đồng xây dựng 1 cầu nông thôn tại xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri. Ban điều hành Quỹ vì người nghèo tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng để giúp đỡ 10 hộ nông dân khó khăn tại thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành được tiếp nhận vốn vay phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Trao 340 phần quà cho các em học sinh và gia đình hội viên khó khăn. Tổng nguồn lực do HND tỉnh vận động thực hiện các hoạt động trên là 1,5 tỷ đồng.

Đối với cấp huyện và cơ sở, xây dựng 35 căn nhà tình thương, vận động hội viên hiến 13 ngàn mét vuông đất để xây dựng đường nông thôn, xây dựng 230 cột cờ, bê-tông hóa 6km đường nông thôn, xây dựng 10 cầu liên tổ, 6 công trình thắp sáng tuyến đường lắp đèn năng lượng mặt trời, xây dựng 1 tuyến đê bao ngăn mặn, 2 cống thoát nước với tổng số tiền 6,3 tỷ đồng.

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN