Báo chí tỉnh tự tin đổi mới

21/06/2021 - 06:44

BDK - Trong bối cảnh kỷ nguyên số, báo chí Bến Tre đã có những thay đổi và phát triển phù hợp để thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Nhìn lại chỉ trong một thập kỷ, diện mạo của nền báo chí tỉnh nhà, ở cả hai cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre đã có những thay đổi vượt bậc.

Phóng viên báo, đài tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh: Ánh Nguyệt

Phóng viên báo, đài tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh: Ánh Nguyệt

Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre Nguyễn Hữu Thọ cho biết: Tiếp cận với báo chí hiện đại và đáp ứng nhu cầu bạn xem đài, thời gian qua, đài đã nỗ lực chuyển đổi cả nội dung và hình thức. Đài đã thuê chuyên gia lĩnh vực thời sự làm cố vấn để chuyển đổi nội dung chương trình thời sự 18 giờ 30 phút. Chương trình được hội đồng chuyên môn của đài thông qua vỏ chương trình, nội dung, gồm 4 mục: lễ tân, nghị quyết cuộc sống, đời sống dân sinh, giới thiệu đất nước con người của tỉnh.

Ngoài ra, đài còn nâng cấp và bổ sung chương trình mới, như: Thi đua “Đồng khởi mới”, Nghị quyết và cuộc sống, Chuyển động xứ Dừa. Đặc biệt, chương trình Chuyển động xứ Dừa được phát sóng đúng dịp Mùng 1 Tết Tân Sửu mềm mại hơn, phản ánh rất nhiều nội dung trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ khi chuyển đổi chương trình thời sự 18 giờ 30 được dư luận đánh giá cao, có sự nâng chất lên.

Sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho sự phát triển của đài trong giai đoạn 2021 - 2023 là “bệ phóng” giúp đài cơ bản chuyển đổi môi trường số, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho phóng viên, biên tập viên để đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền. Về nội dung, đài sẽ nâng sâu các chuẩn nội dung, chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh mở các chuyên mục, chương trình mới theo format riêng để thể hiện được nét riêng của từng ngành. 

Theo ông Lê Văn Be (Tám Hoàng Lê) - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre nhận xét, trên bình diện chung, báo chí tỉnh đang có sự chuyển mình rất lớn và đáng ghi nhận. Đứng trước thách thức của thời đại công nghệ số, bạn đọc, người xem đài có nhiều kênh, phương tiện truyền thông để lựa chọn. Do đó, để báo chí tỉnh phát triển và có vị thế nhất định trong lòng bạn đọc thì cơ quan báo, đài phải nghiên cứu, nâng cao chất lượng nội dung, cải thiện hình ảnh. Chương trình phải phong phú, sinh động hơn theo từng loại hình, tận dụng tối đa các phương tiện để báo, đài luôn là kênh thông tin quan trọng của tỉnh.

“Các đơn vị phải lấy ý kiến bạn đọc, người xem về nội dung, chương trình nào đang thu hút họ và cả những nội dung chưa đáp ứng, lý do vì sao. Từ đó, từng đơn vị củng cố, phát huy thế mạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Hội Nhà báo tỉnh quan tâm hỗ trợ về bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ hội viên, phóng viên, biên tập viên thông qua các lớp tập huấn. Bản thân phóng viên học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Đặc biệt, học tập ở quần chúng nhân dân để có những bài viết mang hơi thở cuộc sống, gần gũi và phục vụ thiết thực cho người dân”, ông Lê Văn Be cho biết.

Đổi mới là cơ hội phát triển, đồng thời cũng đi liền với thách thức. Nhà báo Lê Minh Trí (Minh Trấn) - nguyên Tổng Biên tập Báo Đồng Khởi nêu ý kiến: “Thời buổi công nghệ bùng phát, bất kỳ ai cũng có thể làm báo nhanh. Lợi thế của báo chí địa phương là nói tiếng nói của Đảng, của nhân dân thì độc giả sẽ tin tưởng. Mục tiêu quan trọng hơn hết là nói được tiếng nói địa phương; tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, giá trị quê hương của tỉnh ra cả nước và thế giới”.

“Cho dù là khai thác loại hình báo chí nào và đổi mới như thế nào thì báo chí Bến Tre vẫn phải kế thừa những tinh hoa của nền báo chí truyền thống cách mạng, phát huy đặc thù riêng phù hợp với cái chung để xứng đáng là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Đó là tiếng nói trung thực và là tiếng nói của Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân”, nhà báo Lê Minh Trí nói thêm.

Thanh Đồng - Phan Hân - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN