Cần dự trữ nước để vệ sinh cơ thể vật nuôi, làm mát, vệ sinh chuồng trại.
Dự trữ, sử dụng thức ăn hợp lý: Đối với động vật ăn cỏ, dự trữ thức ăn thô khô, thô xanh (ủ chua) phù hợp với số lượng vật nuôi và đảm bảo vệ sinh. Đối với heo, gia cầm, kiểm tra, vệ sinh kho, nơi dự trữ thức ăn. Chú trọng phòng ngừa nấm mốc, côn trùng tại nơi chứa thức ăn. Cung cấp thức ăn với số lượng, hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với điều kiện, diễn biến thời tiết. Cụ thể, trong những thời điểm nắng nóng, điều chỉnh giờ cho vật nuôi ăn, giảm thức ăn có nhiều tinh bột, chất béo, tăng cường thức ăn xanh, men tiêu hóa, vitamin.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi gặp thời tiết, khí hậu bất lợi như nắng nóng, hạn mặn thì hoạt động chăn nuôi sẽ đối mặt với những khó khăn thách thức như: vật nuôi chậm phát triển, giảm khả năng sản xuất, dẫn đến nguồn thu nhập giảm, đồng thời phải tốn nhiều thời gian nuôi dưỡng, chi phí cho sản xuất tăng, thậm chí là hao hụt rất lớn khi vật nuôi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải chăm sóc, điều trị.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nước rất cần thiết cho quá trình sản xuất và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế bà con nông dân. Đối với các loài vật nuôi, nước uống hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng, tăng trưởng, phát triển và sản xuất. Trong những thời điểm nắng nóng, nước uống giúp vật nuôi điều hòa thân nhiệt; trong chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất sữa, nước rất cần thiết cho quá trình tạo sữa, tăng sản lượng sữa. Nếu thiếu nước uống, vật nuôi sẽ kém ăn, chậm tăng trưởng, chậm phát triển, giảm sản lượng sữa.
Đối với hoạt động chăn nuôi, nước cần dùng để vệ sinh cơ thể vật nuôi, làm mát, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, phương tiện chăn nuôi. Nếu thiếu nước sử dụng để thực hiện các họat động này sẽ gây ra tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường tại khu vực nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi
Trong mùa nắng, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn đe dọa ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi. Cụ thể như: thiếu nước, nước nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước.
Mỗi loài vật nuôi có khả năng chống chịu độ mặn trong nước ở một mức độ nhất định. Cụ thể, khả năng chịu đựng độ mặn tối đa trong nước ở gia cầm là không quá 2%o; ở heo: không quá 3%o; ở trâu bò không quá 7%o.
Khi độ mặn trong nước uống tăng quá mức chịu đựng thì vật nuôi sẽ bị xáo trộn tiêu hóa, gây ra tiêu chảy, giảm ăn, mất nước, khả năng đề kháng giảm sút, tạo điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh nguy hiểm xâm nhập và gây thành bệnh. Các bệnh thường phát sinh trong thời điểm này như: bệnh dịch tả cổ điển, bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh phó thương hàn, bệnh E. Coli.
Nhằm hạn chế những rủi ro do ảnh hưởng từ nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi vào mùa nắng, bà con chăn nuôi cần quan tâm và thực hiện những giải pháp như sau: dự trữ nước dùng cho vật nuôi, hoạt động chăn nuôi. Tùy theo định hướng sản xuất, số lượng vật nuôi, điều kiện hiện có của gia đình mà bà con có biện pháp dự trữ nước sử dụng trong quá trình nuôi. Lưu ý theo dõi độ mặn trong nước, vệ sinh phương tiện, dụng cụ dự trữ, hệ thống cung cấp nước uống cho vật nuôi. Tuyệt đối không sử dụng nước kém vệ sinh, nước nhiễm mặn để dội rửa chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
Bài, ảnh: Thảo Trần