Chủ động phòng, chống bệnh trên cây trồng, vật nuôi

08/05/2015 - 07:24

Theo Chi cục Thú y tỉnh, người chăn nuôi cần vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh ít nhất 2-3 tuần/lần; tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đủ nước ngọt và thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sức đề kháng bằng vitamin, nhất là vitamin C.

Trong thời điểm hiện nay, người chăn nuôi không nên phát triển đàn vật nuôi ồ ạt. Nhập con giống phải kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, xuất xứ an toàn. Hàng ngày, phải theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi. Khi phát hiện vật nuôi có biểu hiện bất thường phải báo ngay với nhân viên thú y xã hoặc chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, bao vây dịch bệnh. Người chăn nuôi tuyệt đối không được giấu bệnh, mua bán gia cầm, gia súc bị nhiễm bệnh.

Chương trình tiêm phòng vắc-xin mới năm 2015 của Nhà nước chưa được triển khai. Do đó, người chăn nuôi cần phòng, chống bệnh cho vật nuôi bằng cách chủ động tiêm vắc-xin. Bệnh cúm gia cầm tiêm vắc-xin H5N1 - Re6, lở mồm long móng tiêm tuýp O, tai xanh tiêm JXA1-R. Các loại vắc-xin trên có bán tại Chi cục Thú y hoặc đăng ký tại Trạm Thú y các huyện, thành phố. Để đảm bảo nguồn gốc, khi mua vắc-xin phải có giấy chứng nhận tiêm phòng kèm theo. Hiện nay, người dân cần đặc biệt quan tâm đến bệnh dại, liên hệ với nhân viên thú y xã để tiêm ngừa.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Tỉnh đang phát động chiến dịch phòng, chống bệnh chổi rồng trên phạm vi toàn tỉnh. Các địa phương có diện tích và số lượng cây trồng ít vẫn phải lưu ý phòng trừ để tiêu diệt triệt để mầm bệnh. Đối với cây có múi, cần quan tâm phòng, chống bệnh sâu đục trái bưởi bằng cách bao trái; phát hiện sớm bệnh sâu vẽ bùa, ghẻ trên cây chanh, cam để sớm điều trị bằng cách phun thuốc. Giải pháp tốt nhất để hạn chế sâu bệnh là tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng. Trong bón phân cũng phải lưu ý sử dụng cân đối các loại phân và nên bổ sung nhiều phân hữu cơ.

Đối với bọ vòi voi trên cây dừa, hiện đã có quy trình phòng trừ cho nông dân nhưng chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học. Chi cục khuyến cáo: tạm thời, người dân chỉ nên sử dụng thuốc đối với các vườn dừa mới. Riêng loại sâu bệnh mới phá hại dừa trái bằng cách đục, cạp trái thì người dân có thể xịt thuốc hóa học để tiêu diệt.

Để chuẩn bị cho vụ lúa Hè Thu, nông dân cần lưu ý khi xuống giống vì thời điểm bắt đầu mưa xuống, còn nắng nóng là giai đoạn dễ xì phèn, làm chết lúa. Đầu mùa, bù lệch trên mạ sẽ xuất hiện nhiều, người dân không nên nóng vội phun thuốc mà tốt nhất là vô ngập nước, bón phân đầy đủ, cây lúa sẽ nhanh chóng phục hồi. Vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, nông dân cần phát hiện sớm bệnh sâu cuốn lá, đạo ôn để phun thuốc. Tuy nhiên, giai đoạn cây lúa từ 40 ngày tuổi trở lại, khuyến cáo người dân không nên sử dụng thuốc hóa học quá nhiều sẽ làm chết thiên địch có lợi bảo vệ cho cây lúa.

C.TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN