Bến Tre - Xứ Dừa - Quê hương Đồng khởi (kỳ cuối)

06/01/2020 - 06:55

TP. Bến Tre hiện nay. Ảnh: C. Trúc

TP. Bến Tre hiện nay. Ảnh: C. Trúc

Khí phách người Bến Tre            

Từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam bộ, nhân dân phải sống trong nô lệ, lầm than “một cổ hai tròng”, người dân ở đây đã kiên cường, liên tục hưởng ứng các phong trào nổi dậy chống quân xâm lược. Lòng yêu nước của con người nơi đây ngoài bản chất vốn có của truyền thống dân tộc, do điều kiện sống mới, còn pha thêm chút lãng mạn, ngang tàng, hiệp nghĩa “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”. Những cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của nhân dân đã làm chậm bước tiến của quân xâm lược, giặc Pháp đã phải vất vả đối phó 10 năm trời mới thiết lập được quyền cai trị trên đất này. Nhiều tấm gương kiên cường bất khuất như: Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, người làng Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) là một tướng quân tiên phong trong khởi nghĩa vũ trang đánh Pháp, chiến đấu hy sinh anh dũng; Đốc binh Phan Ngọc Tòng (1818 - 1868) vốn là một thầy giáo, người làng An Bình Đông (Ba Tri) trong trận đánh giáp lá cà không cân sức với quân Pháp tại Gò Trụi (Giồng Gạch) đã hy sinh oanh liệt “khí phách ngàn thu rỡ núi non”; Trịnh Viết Bàng, người chỉ huy nghĩa quân ở Bình Đại, khi bị giặc bắt, không hề khuất phục, lúc giải đi trên thuyền, dù bị trói chặt cả 2 tay, ông đã dùng chân đá 2 tên giặc văng xuống sông; Lê Quang Quan - Tán Kế (… -1869), người lãnh đạo khởi nghĩa đất Ba Châu (Giồng Trôm) bị giặc bắt chém, cắt đầu bêu giữa chợ, mắt vẫn mở trừng trừng căm hận…

Lòng yêu nước, kiên cường bất khuất của người Bến Tre như mạch suối ngầm chảy trong lòng đất, được luân lưu kế thừa xuyên suốt, hết kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Năm 1946, người con gái vừa tròn 26 tuổi Nguyễn Thị Định (1920 - 1992), người làng Lương Hòa (Giồng Trôm)  cùng đoàn vượt biển từ Nam ra Bắc để báo cáo với Bác Hồ về tình hình Nam Bộ và xin vũ khí về kháng Pháp, đã mở ra con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển cho kháng chiến chống Mỹ sau này. Trong trận chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Bến Tre đã có một sĩ quan quân đội là Nguyễn Trí Việt (1930 - 2008) người xã Phú Thuận (Bình Đại) tham gia. Góp phần quyết định chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre có phi công Nguyễn Thành Trung, người xã An Khánh (Châu Thành) một mình lái máy bay của Mỹ ném bom dinh Độc lập, rồi tiếp tục dẫn đường và cùng 1 phi đội của ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Không chỉ đánh giặc bằng vũ khí, người mù lòa như Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) nhưng lòng sáng tựa sao khuê, yêu nước thương dân, dùng ngòi bút để ca ngợi cái tốt, chống lại cái xấu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Truyền thống đánh giặc bằng ngòi bút còn có Phan Văn Trị (1830 - 1910), người làng Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), trong cuộc họa thơ, bằng lập luận sắc bén, ông đã phê phán gay gắt và chửi thẳng vào mặt bọn tay sai theo Tây bán nước. Phan Văn Trị đã lôi kéo đông đảo các sĩ phu yêu nước cùng thời như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt… vào cuộc. Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị là những chiến sĩ tiên phong cho dòng văn học “trong thơ cần có thép” của Đảng ta sau này.

Giàu truyền thống văn hóa

Ngoài truyền thống giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất, Bến Tre còn giàu truyền thống văn hóa, dân Bến Tre hiếu học, dù là đất cù lao, bốn bề sông nước, giao thông cách trở, đời sống còn nghèo khó. Khi Pháp đến đánh chiếm, trong số 152 làng ở Bến Tre có hơn 70 trường dạy chữ nho. Bà Lê Thị Mẫn (1786 - 1866), chồng mất sớm khi mới 33 tuổi, là một phụ nữ hiền đức, dạy con vừa nghiêm khắc, vừa tinh tế, cả 3 người con đều đỗ cử nhân. Đây là một sự kiện hiếm có thời bấy giờ, các chức việc trong làng xin và đổi tên làng, nơi bà cư ngụ là Đa Hòa (Mỏ cày Nam) thành Đa Phước (nghĩa là nhiều phước đức). Cảm phục hiền đức, vua Tự Đức đã phong tặng cho bà bức biển có 4 chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”. Sau này cháu của bà là Henritte Bùi Quang Chiêu (1906 - 2012) thông minh, học giỏi nổi tiếng, là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam. Dưới triều Nguyễn có 3 tiến sĩ và 1 phó bảng, Bến Tre tự hào có Phan Thanh Giản người quê ở cuối biển, đất Bãi Ngao, làng Bảo Thạnh (Ba Tri) đổ tiến sĩ đầu tiên Nam Kỳ; trong 269 vị đậu cử nhân trường thi Gia Định, Bến Tre có 31 người, chỉ đứng sau Gia Định. Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), người quê Cái Mơn, làng Vĩnh Thành (Chợ Lách) nói và viết thông thạo 20 ngoại ngữ, có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu, được xếp vào danh sách 18 nhà khoa học thông thái ở thế kỷ XIX. Trương Vĩnh Ký cũng đồng thời là “ông tổ” của báo chí và văn quốc ngữ Việt Nam.

Trong làng báo chí thời còn phôi thai chữ quốc ngữ, Bến Tre còn có 3 nhà báo lớn: Lương Khắc Ninh (1843 - 1962) người làng An Hội (TP. Bến Tre ngày nay), chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàm, là tờ báo kinh tế đầu tiên của nước ta, Sương Nguyệt Anh (1864 - 1921) chủ bút tờ Nữ Giới Chung, là con cụ Nguyễn Đình Chiểu; Lê Hoàng Mưu (1879 - 1942) người làng Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Trong lĩnh vực nghệ thuật Bến Tre cũng có nhiều tài năng: nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Nam bộ như: Ca Văn Thỉnh (1902 - 1987) và con là nhà thơ Lê Anh Xuân - Ca Lê Hiến (1940 - 1968) người Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc); nghệ sĩ cải lương Lê Long Vân (1908 - 1988), người xã An Đức (Ba Tri); họa sĩ Lê Văn Đệ (1906 - 1966) người xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919 - 2002) người xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre)…

Quê hương Xứ dừa - Quê hương Đồng khởi

Những lưu dân đến Bến Tre, từ mảnh đất hoang vu, “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh” trở thành 3 cù lao xanh ngát bóng dừa, để Bến Tre có biệt danh là “Quê hương Xứ Dừa”; thì những thế hệ sau đã làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ năm 1960. Đồng khởi, sáng tạo tuyệt vời ra phương pháp đánh Mỹ bằng 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang và binh vận, với “Đội quân tóc dài” nổi tiếng cả thế giới, mở đầu phong trào Đồng khởi long trời lở đất trên toàn miền Nam. Bến Tre vinh dự có thêm biệt danh là “Quê hương Đồng Khởi”.

Gương mặt lịch sử của đất nước hay một địa phương bao giờ cũng được tạo nên bằng những thành quả của một tập thể, một cộng đồng, trong đó có những nhân vật nổi bật, lập nên nhiều chiến tích trở thành những tướng lĩnh tài ba, những tấm gương chiến đấu anh dũng, mưu trí tuyệt vời, lập chiến công xuất sắc, xứng danh với khái niệm anh hùng. Trưởng thành từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc, Bến Tre có 25 vị tướng lĩnh. Trong đó có Lê Văn Dũng, người xã Phong Mỹ (Giồng Trôm) là vị Đại tướng đầu tiên người Nam Bộ; Nguyễn Thị Định, nữ tướng duy nhất trong kháng chiến chống Mỹ “… Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta” (lời Bác Hồ). Bến Tre có 148 địa phương, đơn vị, tập thể và 83 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang; 6.696 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong và truy tặng. Hơn 7 vạn thanh niên Bến Tre lên đường cầm súng đánh giặc, thì 35.590 người đã trở thành liệt sĩ. Vinh quang vô cùng, nhưng đau thương, mất mát thật là vô hạn.

Bước sang năm 2020, cũng là dịp kỷ niệm 120 năm tỉnh Bến Tre thành lập (1-1-1900 - 1-1-2020); 60 năm Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020). Quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại và không có hiện tại làm gì có tương lai! Kỷ niệm ngày thành lập tỉnh và Bến Tre Đồng khởi là nhằm ôn lại quá khứ, truyền ngọn lửa yêu quê hương, đất nước, thôi thúc các thế hệ hậu sinh phấn đấu vươn lên, nối tiếp truyền thống cha ông. Gợi lại truyền thống cũng là nhằm phát huy mạnh mẽ, chắp cánh cho nó bay cao hơn, xa hơn, trường tồn với thời gian. Phong trào “Đồng khởi mới” cũng chính là để kế thừa, phát huy truyền thống Đồng khởi năm xưa, quyết tâm xây dựng “xứ Dừa”, “Quê hương Đồng khởi” Bến Tre ngày càng phát triển vươn lên. Khát vọng tiến nhanh trên con đường văn minh hiện đại, kinh tế thịnh vượng, đời sống văn hóa cao và phong phú của nhân dân trên “ba đảo dừa xanh” Bến Tre nhất định sẽ thành hiện thực.

Vũ Hồng Thanh

Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN