Tránh chồng chéo nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương

12/02/2025 - 16:56

Chiều 12-2-2025, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình làm việc, nghe Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật đã quy định một chương riêng về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, là cơ sở để các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước ở địa phương trong các ngành, lĩnh vực cụ thể phải bảo đảm phù hợp.

Kế thừa các nguyên tắc phân định thẩm quyền còn phù hợp, đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung các nguyên tắc nhằm phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương. Theo đó, khi phân quyền, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương phải bảo đảm xác định rõ nội dung và phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn mà chính quyền địa phương được quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả; không trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan và giữa các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp; kiểm soát quyền lực và quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước cấp trên.

Về phân quyền, dự luật quy định rõ việc phân quyền phải bằng luật. Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp. Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền; đồng thời được phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân quyền, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Về phân cấp, dự luật mở rộng và quy định rõ chủ thể được phân cấp và chủ thể nhận phân cấp. Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan phân cấp trong việc bảo đảm các điều kiện để thực hiện việc phân cấp. Cơ quan nhận phân cấp chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân cấp nếu cơ quan phân cấp đã bảo đảm các điều kiện theo quy định. 

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, dự thảo Luật mở rộng và quy định rõ chủ thể được ủy quyền và chủ thể nhận ủy quyền. Quy định rõ yêu cầu của việc ủy quyền, một số nhiệm vụ không được ủy quyền (nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nhiệm vụ mà nếu ủy quyền sẽ làm thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật). Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc ủy quyền và thực hiện nhiệm vụ ủy quyền; việc sử dụng con dấu và hình thức văn bản khi thực hiện nhiệm vụ ủy quyền (phân biệt giữa ủy quyền thẩm quyền và ủy quyền ký văn bản).

Thực hiện nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” và tránh quy định chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan của chính quyền địa phương, dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND ở mỗi đơn vị hành chính theo hướng phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa HĐND và UBND; nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương theo hướng tăng nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch UBND.

Theo dự thảo Luật, giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như Luật hiện hành, tại tất cả các đơn vị hành chính các cấp tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. 

Nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, dự thảo Luật quy định theo hướng HĐND quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND. Cơ bản kế thừa các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND theo quy định của Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định khung số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp, số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền

Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định của luật hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, việc trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian “tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới” trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp. 

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.

Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các quy định trong dự thảo luật cơ bản không ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện Luật Thủ đô. Tuy nhiên, các quy định về phân cấp, ủy quyền và cơ chế chịu trách nhiệm khi thực hiện phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương lại có sự thay đổi đáng kể so với quy định của luật hiện hành, đặc biệt là về tăng cường chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan, cá nhân được phân cấp, thực hiện đúng chủ trương “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị trong dự thảo luật cần xác định rõ các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội không thực hiện các quy định liên quan đến chế độ trách nhiệm, việc bảo đảm điều kiện thực hiện, việc phân cấp tiếp, việc sử dụng hình thức văn bản, con dấu đang được quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật Thủ đô. Các nội dung này sẽ được thực hiện theo quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN