Thực hiện theo Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 12-2-2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Theo Tờ trình của Chỉnh phủ,Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, được sửa đổi bổ sung một số điều vào năm 2020 (sau đây gọi là Luật năm 2015). Qua gần 10 năm thi hành Luật năm 2015, công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL: (i) một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; (ii) chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tính ổn định và khả năng dự báo của một số luật còn chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi; (iii) một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; (iv) chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, chưa tạo được môi trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo; việc ban hành quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới còn chậm, chưa tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy được động lực tăng trưởng, chưa thích ứng và theo kịp những thay đổi nhanh chóng dưới sự tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (v) việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm, việc cắt giảm thủ tục hành chính còn hạn chế; (vi) tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa có cơ chế hữu hiệu để nhận diện, phản ứng chính sách kịp thời, chưa có sự gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL.
Các tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân là một số chủ trương, đường lối của Đảng mới được ban hành chưa kịp thể chế hoá và có nguyên nhân từ bất cập của Luật năm 2015 cũng như từ tổ chức thi hành Luật, trong đó, nổi lên 04 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL còn nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý trường hợp cấp bách, đột xuất. Quy trình chính sách lồng ghép trong quy trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chính sách chưa được coi trọng đúng mức, còn chung chung, thiếu cụ thể; đánh giá tác động còn chưa thực chất. Còn có nhiều hình thức với nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL.
Thứ hai, chưa đủ cơ chế linh hoạt để Chính phủ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội kiến tạo phát triển, phản ứng chính sách hoặc xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn (như tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…).
Thứ ba, quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quy trình xây dựng và tổ chức thi hành VBQPPL còn chưa đầy đủ, rõ ràng, nhất là về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với những vi phạm về ban hành VBQPPL của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, tổ chức thi hành VBQPPL vẫn còn chưa nghiêm; người đứng đầu một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa quan tâm đầy đủ tới công tác xây dựng VBQPPL.
Thứ tư, các quy định về tổ chức thi hành VBQPPL còn chưa đầy đủ, cụ thể; tản mát, thiếu đồng bộ. Điều kiện bảo đảm cho tổ chức thi hành VBQPPL còn hạn chế. Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí, định mức phân bổ cho công tác này còn thấp, không đủ thực hiện các bước trong quy trình xây dựng VBQPPL; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và thi hành VBQPPL còn hạn chế.
Xuất phát từ cơ sở thực tiễn nêu trên, việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL là rất cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trên cơ sở kế thừa Điều 1 Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định khái quát hơn và bổ sung nội dung về tổ chức thi hành VBQPPL bên cạnh nội dung về xây dựng VBQPPL, cụ thể như sau: “Luật này quy định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số nội dung về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật”, đồng thời, giữ nguyên quy định về việc Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.
Dự thảo Luật bố cục thành gồm 8 chương, 72 điều (giảm 9 chương tương ứng với 53% số chương, 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật năm 2015). Dự thảo Luật: (i) Chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch (do Luật hiện hành quy định ngắn gọn, quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn); (ii) Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương (riêng nội dung này giảm 57 điều so với Luật năm 2015).
Nội dung của Dự thảo Luật tập trung 07 vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật: (i) tiếp tục đơn giản hóa hệ thống VBQPPL; tăng cường kiểm soát quyền lực trong xây dựng và thi hành pháp luật; phân định rõ thẩm quyền ban hành VBQPPL của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và văn bản dưới luật; (ii) bổ sung hình thức nghị quyết quy phạm pháp luật của Chính phủ; (iii) đổi mới việc xây dựng Chương trình lập pháp của Quốc hội; (iv) đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL; (v) đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo; (vi) quy định việc chịu trách nhiệm đến cùng của các cơ quan trình dự án luật; (vii) hướng dẫn áp dụng VBQPPL.