Bảo tồn nghệ thuật Hát sắc bùa Phú Lễ

12/02/2025 - 05:25

BDK - Từ chỗ bị mai một, nghệ thuật Hát sắc bùa (HSB) Phú Lễ (tỉnh Bến Tre) được hồi sinh nhờ những nghệ nhân có tâm huyết bảo tồn loại hình diễn xướng dân gian độc đáo này. Đặc biệt, mỗi dịp đầu năm mới, tiếng HSB cùng với âm vang của nhạc cụ truyền thống đã góp phần cho mùa xuân thêm rộn rã.

Đội Hát sắc bùa Phú Lễ xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) biểu diễn trong những ngày đầu xuân.

Loại hình nghệ thuật truyền thống

Năm nào cũng vậy, cứ tối mùng 5 Tết, đội HSB Phú Lễ xã Phong Nẫm kết hợp với đội HSB Bảo tàng tỉnh tập trung tại sân khấu ngoài trời (Bảo tàng tỉnh Bến Tre) để biểu diễn phục vụ người dân. Cùng với đờn ca tài tử, nói thơ Vân Tiên, âm vang HSB rất độc đáo đã cuốn hút mọi người đến nghe, xem các nghệ nhân biểu diễn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chấn (70 tuổi) - Đội trưởng đội HSB Phú Lễ xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm) cho biết: “Năm nay là năm thứ 4 những thành viên trong đội HSB từ xã Phong Nẫm lên TP. Bến Tre biểu diễn phục vụ người dân tối mùng 5 Tết. Anh em trong đội làm đủ thứ nghề để mưu sinh chứ tiền thù lao chẳng được bao nhiêu nhưng tất cả đều chung niềm đam mê bảo tồn nghệ thuật truyền thống của ông cha để lại. Đồng thời, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này”.

Năm nay, đội HSB Phú Lễ biểu diễn 3 bài gồm: Mở cửa rào, Khai môn, Rước xuân với những lời ca rất mộc mạc, cuốn hút người xem. Điều đặc biệt, những nghệ nhân vừa biểu diễn nhạc cụ vừa hát rất độc đáo. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền, 65 tuổi (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm) là thành viên nữ duy nhất trong đội cho biết: “Trước đây, tôi tham gia hát đờn ca tài tử, đến năm 2014 trong xóm thành lập đội HSB nên tôi xin tham gia học rồi được các nghệ nhân truyền dạy để đi biểu diễn cho tới nay. Bản thân tôi đam mê nghệ thuật truyền thống nên biểu diễn được cả hai loại hình đờn ca tài tử và HSB trong mỗi dịp lễ, Tết hay ở các khu du lịch khi khách du lịch có nhu cầu”.

Duy trì hoạt động

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nghệ thuật HSB Phú Lễ ra đời vào thế kỷ thứ XVIII do ông Trần Văn Hậu (con rể ông Hồ Đức Quang - người xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) khi làm quan tại tỉnh Bình Định, thấy điệu HSB độc đáo mới về dạy cho dân xã Phú Lễ hát. Sau đó, nghệ thuật HSB được truyền dạy sang các địa phương lân cận. Nghệ thuật HSB Phú Lễ có 3 phần cơ bản gồm: nghi lễ; hát chúc tụng, giúp vui và giã từ. Mỗi phần có nhiều bài như: mở cửa rào, khai môn, rước xuân, tiên sư, chúc làm ruộng, chúc nghề dệt vải, lý lơ thơ, giã từ... So với các địa phương khác trong cả nước, HSB Phú Lễ có phần khác biệt như: nhạc cụ có thêm cây đờn cò, trống cơm; mỗi thành viên trong đội vừa là nhạc công, vừa là diễn viên và hát theo lối cái kể, con xô. Ngoài ra, số lượng thành viên trong đội thấp nhất là 4 người, mỗi thành viên trong đội sử dụng một loại nhạc cụ khác nhau. Thông qua hình thức truyền miệng, ông bầu có nhiệm vụ tổ chức tập dượt toàn đội, đồng thời sáng tác bài bản mới nhằm đáp ứng nhu cầu chúc tụng nghề nghiệp và hát giúp vui để hướng dẫn cho đội trước khi vào mùa phục vụ. Đến khoảng năm 1970, nghệ thuật HSB Phú Lễ hầu như bị mai một vì rất ít người biểu diễn.

Sau đó, cố nghệ nhân Lư Văn Hội (1956 - 2019), nguyên Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cùng các nhà nghiên cứu cất công sưu tầm nghệ thuật diễn xướng HSB Phú Lễ để dạy lại cho các thế hệ sau này. Đến năm 2017, nghệ thuật HSB Phú Lễ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh đã tập trung bảo tồn, phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo này, đặc biệt là truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Qua đó, tỉnh có 5 đội HSB Phú Lễ thường xuyên tập dượt, biểu diễn như: Đội HSB xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm); đội HSB Bảo tàng tỉnh; đội HSB Trường THCS Phú Lễ (huyện Ba Tri); đội HSB xã Phú Lễ (huyện Ba Tri) và đội HSB Trung tâm Văn hóa huyện Ba Tri. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 20 nghệ nhân thường xuyên biểu diễn HSB Phú Lễ.

Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng tỉnh Lê Nguyễn Tuấn Lê cho biết: “HSB biểu diễn trong cộng đồng như ngày xưa không còn nữa nên các nghệ nhân chủ yếu biểu diễn ở các lễ hội cúng đình, điểm du lịch khi có nhu cầu và dịp Tết. Trong đó, đội HSB Phú Lễ xã Phong Nẫm vẫn còn duy trì sinh hoạt, tập dượt thứ 5 hàng tuần. Đồng thời, vào ngày 30 (âm lịch) hàng tháng, 2 đội HSB Bảo tàng tỉnh và xã Phong Nẫm cùng phối hợp để biểu diễn phục vụ người dân”.

Thời gian gần đây, tỉnh rất quan tâm bảo tồn di sản văn hóa HSB Phú Lễ nhằm tránh mai một. Trong đó, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã tìm cách cải biên theo hướng sân khấu hóa để đưa nghệ thuật HSB Phú Lễ đến gần hơn với công chúng. Đồng thời, đã đưa các loại hình nghệ thuật dân gian như: đờn ca tài tử, hát dân ca, HSB Phú Lễ... vào trường học ở các tiết ngoại khóa nhằm giúp học sinh biết về loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông.

“Năm vừa qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức truyền dạy, hướng dẫn thực hành diễn xướng dân gian HSB Phú Lễ cho lực lượng đoàn viên, thanh niên tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các buổi học đã khái quát cơ bản về loại hình diễn xướng dân gian HSB Phú Lễ và hướng dẫn thực hành HSB Phú Lễ. Thông qua hoạt động nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có, tiêu biểu của các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo”.

(Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Nguyễn Hoài Anh)

 Bài, ảnh: Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN