Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021

07/12/2018 - 20:03

BDK.VN - Trong ngày làm việc thứ 2 (7-12-2018), Kỳ họp thứ 9 khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 của HĐND tỉnh, có buổi chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề được cử tri trong tỉnh quan tâm.

Phiên chất vấn tập trung một số lĩnh vực kinh tế với nhóm vấn đề về: phân lô, tách thửa, bán nền; giá dừa chưa phục hồi…

Phân lô, trách thửa

Theo đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân, hiện nay, tình trạng phân lô bán nền nổi lên ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở TP. Bến Tre, Châu Thành. Bên cạnh những lợi ích trên thị trường bất động sản, vấn đề tự ý san lấp, phân lô bán nền đối với đất nông nghiệp của một số cá nhân và tổ chức hình thành nhiều khu dân cư tự phát.

Đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng. Ảnh: P. Hân

Đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân chất vấn lãnh đạo Sở Xây dựng. Ảnh: P. Hân

Đại biểu Lê Thị Nghĩa Nhân đặt vấn đề, nếu không quản lý chặt chẽ tình trạng trên sẽ dẫn đến việc xây dựng nhà ở không theo quy hoạch, khu vực phân lô không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật. Dự báo sẽ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn mất an ninh nông thôn. 

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho biết, ngành sẽ rà soát, thống kê các khu vực phân lô, bán nền xây dựng nhà ở trái phép để đề xuất xử lý theo 2 hướng. Cụ thể, đối với trường hợp phân lô tự phát đã xây dựng nhà ở tại các khu vực phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở sẽ thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, đầu tư đảm bảo đấu nối hạ tầng theo tiêu chí về quy hoạch xây dựng. Sau đó, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và hướng dẫn người dân lập thủ tục đất đai theo quy định.

Đối với khu dân cư tự phát, không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Đoàn Công Dũng đề nghị UBND cấp huyện có trách nhiệm phân loại lấy ý kiến các sở, ngành tỉnh liên quan để đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý từng khu cụ thể. Đối với những khu vực san lấp mặt bằng có dấu hiệu phân lô, bán nền đất nông nghiệp chưa hình thành khu dân cư, đề nghị địa phương quản lý chặt chẽ không để hình thành nhà ở.

Theo ông Đoàn Công Dũng, để quản lý có hiệu quả đất đai, tránh tình trạng phân lô, bán nền, UBND cấp huyện xác định các khu vực quy hoạch đất ở hiện hữu, đất ở chỉnh trang dân cư xây dựng mới theo quy hoạch chung. Theo đó, những nơi chưa có quy hoạch thì UBND cấp huyện phải phối hợp với Sở Xây dựng rà soát ban hành bổ sung, các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Ngoài ra, tập trung huy động các nguồn lực tạo điều kiện tốt để các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng nhà ở đúng theo quy định, nhằm tạo quỹ nhà ở cho xã hội; khuyến khích đầu tư nhà ở theo điểm dân cư tập trung; tuyên truyền cho nhân dân trong việc mua, bán đất nền phải có giấy tờ hợp lệ, tránh mua bán nền phân lô trái phép dẫn đến việc mua nhầm đất không được phép xây dựng gây thiệt hại cho người mua. Thời gian tới, các ngành cấp trong thẩm quyền cho phép phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản; thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động liên quan đến phân lô, bán nền, xây dựng nhà trái phép nhằm kịp thời chấn chỉnh cho phù hợp quy định.

Giám Đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Chinh cũng đồng tình với giải pháp của Sở Xây dựng. Ông Nguyễn Văn Chinh cũng thừa nhận, mặc dù tình trạng phân lô bán nền đã tồn tại nhiều năm nhưng ngành vẫn chưa xử lý trường hợp vi phạm nào. Trong thời gian tới, ngành sẽ tích cực quản lý và xử lý trường hợp vi phạm.

 “Trong trường hợp phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp với mục đích nhà ở thì người mua sẽ chịu mọi hình phạt vì sử dụng đất sai mục đích” -  ông Nguyễn Văn Chinh thông tin.

 

Nâng cao giá trị trái dừa

Đại biểu Nguyễn Minh Triều chất vấn UBND tỉnh về giải pháp nâng cao giá trị trái dừa theo hướng bền vững để ổn định đời sống của người dân.

 Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, với vai trò quản lý, UBND tỉnh luôn quan tâm đề ra nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm dừa. Cụ thể, UBND tỉnh có cơ cấu cây trồng của tỉnh, trong đó có cây dừa theo chuỗi sản phẩm; đề án phát triển dừa Đồng Gò nhằm tìm ra giống dừa cho năng suất cao. 

 “Nhà nước quan tâm hỗ trợ nâng cao giá trị cây dừa không phải là hỗ trợ kinh phí cho người dân khi giá dừa giảm mà thông qua hình thức sản xuất đòi hỏi có sự cạnh tranh về chất lượng. Do đó, người dân phải tích cực tham gia vào tổ chức sản xuất thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng ngành quản lý nâng giá trị tăng thêm cho cây dừa của địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết.

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo cho rằng, tổ chức sản xuất là chìa khóa mở lối cho nền sản xuất nông nghiệp. Con đường duy nhất để giải cứu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chính là thay đổi phương thức sản xuất cũ bằng phương thức sản xuất mới hướng đến truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Chế độ công tác phí cho người hoạt động không chuyên trách

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thảo chất vấn UBND tỉnh về chế độ công tác phí cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thảo nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh. Ảnh: Q. Hùng

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thảo nêu câu hỏi chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh. Ảnh: Q. Hùng

Qua tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, nhận thấy chế độ công tác phí cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo Nghị quyết số 18, ngày 5-12-2017 của HĐND tỉnh, người hoạt động không chuyên trách không được hưởng chế độ công tác phí do không thuộc đối tượng theo Thông tư số 40 ngày 28-4-2017 của Bộ Tài chính.

 Khi trả lời về việc thực hiện Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, Sở Tài chính có Văn bản số 1270, ngày 17-4-2018 hướng dẫn các địa phương: UBND cấp xã trong phạm vi dự toán kinh phí khoán được giao, có thể quy định mức khoán hỗ trợ cho các đối tượng này (theo hướng chỉ hỗ trợ tiền đi công tác) trong Quy chế chỉ tiêu nội bộ, trình HĐND cùng cấp thông qua để thực hiện. Tuy nhiên, qua phản ánh thì phần lớn các xã không thực hiện được hướng dẫn này do kinh phí khoản của cấp xã rất hạn hẹp, đã gây khó khăn cho đời sống. Một số trường hợp không an tâm công tác, xin nghỉ việc. Để khắc phục bất cập này, UBND tỉnh có giải pháp gì?

Trả lời chất vấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Duy Hải cho biết: Ngày 3-7-2018, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 7972 hướng dẫn thực hiện Thông tư số 40 ngày 28-4-2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị. Theo quy định, chế độ công tác phí không áp dụng đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, chế độ cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố khi đi công tác, Sở Tài chính đã có Công Văn số 1270 ngày 17-4-2018, trong đó có nội dung hướng dẫn chế độ cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố theo hướng “căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi dự toán kinh phí khoán được giao, UBND xã, phường, thị trấn có thể quy định mức khoán hỗ trợ cho các đối tượng này trong Quy chế chi tiêu nội bộ trình HĐND cùng cấp phê duyệt để thực hiện. Nội dung hỗ trợ cụ thể do các đơn vị, địa phương tự quyết định trên tinh thần đảm bảo công bằng, công khai, tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 5-12-2017 của HĐND tỉnh quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020 thì định mức khoản chi hoạt động đối với cấp xã giai đoạn năm 2017 - 2020 tăng thêm gần 40% so với giai đoạn 2011 - 2015. Mức tăng này là khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, phải dành nguồn để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Vì vậy, trước mắt UBND tỉnh xin ghi nhận kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh và của cử tri. Đồng thời, xin chia sẻ những khó khăn đối với những người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, căn cứ các quy định của Trung ương có liên quan đến chế độ dành cho những người hoạt động không chuyên trách trên cơ sở cân đối ngân sách tỉnh, UBND tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn để chi hỗ trợ cho các đối tượng không chuyên trách trong thời gian sớm nhất.

Tham gia phát biểu về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo nói: Trách nhiệm của HĐND trong ban hành nghị quyết về chính sách là cần phải xem đến tính khả thi trong thực thi chính sách, nhất là phải tính toán được khả năng cân đối chi. Cấp xã cố gắng lãnh đạo điều hành tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn nhằm tạo nguồn thu ngân sách tốt hơn trên địa bàn. Từ đó, góp phần đảm bảo chi cho các hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Các cơ quan thuế cố gắng có cơ chế và thực hiện tốt trách nhiệm điều tra, tổ chức thu tốt, góp phần tạo điều kiện đảm bảo ngân sách cho địa phương trong việc thu chi.

Đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Thành Hạo cho biết, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 có sự đổi mới, cách tiếp cận của người chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, nêu bật các vấn đề mà cử tri quan tâm. Nhiều đại biểu khác cũng đã tham gia tranh luận, chất vấn trực tiếp không báo trước đối với lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Điều này góp phần mở rộng vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, nâng cao hiệu quả, chất lượng của phiên chất vấn.

P. Hân - Q. Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN