Vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới

18/04/2023 - 18:49

BDK - Giai đoạn 2016 - 2020, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã tham gia sâu rộng và đóng góp vai trò quan trọng của mình trong phối hợp với các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; giải quyết những vấn đề cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội; giữ vai trò chính trong việc vận động, đoàn kết, phát huy nội lực của các tổ chức, đoàn thể và quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T. Dung

Phát huy vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T. Dung

Việc tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng NTM cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân,  trong đó phải kể đến sự tham gia tích cực, hiệu quả của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đối với các phong trào tự quản, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, bình yên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM...

Ngoài ra, căn cứ hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ động báo cáo cấp ủy, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện đầy đủ các bước lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã kiến nghị đến chính quyền, các ngành chức năng những nội dung, tiêu chí người dân chưa hài lòng cao, giúp các ngành chức năng có phương án, giải pháp duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chưa đảm bảo, hoặc chưa nhận được sự hài lòng của người dân.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần phát huy vai trò trong xây dựng NTM. Đổi mới nội dung và các hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng cho phù hợp với tiêu chí của CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đổi mới phương thức tập hợp quần chúng nhân dân phù hợp với các đặc điểm văn hóa - xã hội của địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm đạt được sự đồng thuận trong xây dựng NTM. Cần hướng mạnh vào các hoạt động về cơ sở sao cho phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn dân cư. Đẩy mạnh “Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các cộng đồng dân cư tự quản, hoạt động trên cơ sở hương ước, quy ước không trái pháp luật.

Phát hiện, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời, thỏa đáng các điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, tạo động lực mạnh mẽ trong xã hội. Quá trình thực hiện CTMTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy: Địa phương nào vận dụng, phát huy được sức mạnh, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển nông thôn, thì nơi đó thực hiện tốt những nội dung, tiêu chí, đạt được những kết quả tích cực, tạo diện mạo mới cho đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

T. Dung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN