Chủ trì Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp. Ảnh: CTV
Kết quả bước đầu
Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, là bước thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; là sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm mở rộng dân chủ, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các tổ chức CT-XH và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia góp ý XDĐ, XDCQ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Để triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 2242-QĐ/TU ngày 3-2-2015 ban hành Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trực tiếp đối thoại với nhân dân và Quyết định số 2243-QĐ/TU ngày 3-2-2015 ban hành Quy định về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp thu và xử lý các ý kiến đóng góp của MTTQ, các tổ chức CT-XH và nhân dân.
Qua gần 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật nhất thể hiện ở việc MTTQ, các tổ chức CT-XH và các tầng lớp nhân dân đã tham gia góp ý dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; lấy ý kiến đóng góp của đoàn viên, hội viên, các giới đối với dự thảo văn kiện đại hội MTTQ, các tổ chức CT-XH; trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; trong công tác giám sát, phản biện xã hội... Các cấp ủy trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; định kỳ tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với cán bộ Mặt trận cơ sở, công nhân lao động, nông dân, thanh niên, phụ nữ, doanh nghiệp, chức sắc các tôn giáo… Hình thức, phương pháp góp ý cũng rất đa dạng, phong phú. Thông qua đó, đã góp phần quan trọng xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đồng thời, tiếp tục khẳng định, nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân.
Giải pháp thời gian tới
Quá trình thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 2242-QĐ/TU, Quyết định số 2243-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số hình thức góp ý được quy định như góp ý trước khi kiểm điểm công tác của cấp ủy, của chính quyền từ cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, góp ý thường xuyên qua hòm thư rất ít, góp ý qua hộp thư điện tử (email) chưa làm được cũng làm giảm hiệu quả của quy định. Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” ở một số khâu chưa thành nền nếp, hiệu quả thấp; nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị, góp ý của người dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại, chưa được xem xét, giải quyết kịp thời...
Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả cao Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 2242-QĐ/TU, Quyết định số 2243-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trước hết, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về hoạt động góp ý XDĐ, XDCQ. Cần khắc phục nhận thức chưa đúng, coi hoạt động góp ý XDĐ, XDCQ chính là hoạt động giám sát và phản biện xã hội (nhiệm vụ này thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị). Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy dân chủ, tham gia góp ý XDĐ, XDCQ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền. Các cấp ủy, chính quyền cần tranh thủ các ý kiến, góp ý của MTTQ và nhân dân đối với các dự thảo chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức tốt việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức CT-XH trong hoạt động tham gia góp ý XDĐ, XDCQ. Nội dung góp ý nên tập trung vào các nghị quyết, chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Tăng cường và đa dạng các hình thức, phương pháp góp ý: góp ý văn bản, thông qua tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân… Chú trọng giải quyết kịp thời các kiến nghị sau khi góp ý.
Nâng cao chất lượng việc tiếp thu, giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau hội nghị đối thoại. Sau hội nghị đối thoại, phải thông báo kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm liên quan xem xét giải quyết kiến nghị của nhân dân. Sau đó thông báo để nhân dân biết kết quả giải quyết.
Thông qua hoạt động của mình, MTTQ và các tổ chức thành viên cần thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân, tập hợp dư luận xã hội, coi đây là nguồn thông tin, tư liệu vô cùng phong phú về cả lý luận và thực tiễn để có cơ sở góp ý kiến XDĐ, XDCQ và tham gia vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ MTTQ, các tổ chức CT-XH trong việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ góp ý XDĐ, XDCQ. Bên cạnh các tiêu chuẩn chung, đội ngũ cán bộ tham mưu thực hiện công tác này cần có bản lĩnh vững vàng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn tham mưu, đề xuất, năng động, sáng tạo, sâu sát và gắn bó với nhân dân ở cơ sở. Cần quan tâm lựa chọn, bố trí cán bộ MTTQ, các tổ chức CT-XH các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ, các tổ chức CT-XH, phương pháp, kỹ năng để làm nòng cốt tập hợp, vận động nhân dân tham gia góp ý XDĐ, XDCQ. |
Bùi Văn Bia - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy