Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

20/05/2022 - 05:46

BDK - Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một trong những dịch vụ tài chính cơ bản, chính thức được các tổ chức tín dụng, tổ chức được phép cung cấp cho khách hàng. TTKDTM đã và đang trở thành phương thức thanh toán phổ biến trên thế giới. Tại tỉnh đã và đang đẩy mạnh TTKDTM, kết quả bước đầu được đánh giá cao, người dân hưởng ứng tích cực.

Ngành ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách thực hiện nhiều chính sách khuyến khích khách hàng.

Ngành ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt bằng cách thực hiện nhiều chính sách khuyến khích khách hàng.

Đề ra mục tiêu phấn đấu

Thực hiện Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo triển khai mạnh mẽ Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM trong nền kinh tế, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 1.500 điểm.

Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đạt 20 - 25%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm.

Đặc biệt, đối với dịch vụ công, phấn đấu toàn tỉnh có từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Có 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM. Đồng thời, 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.

Một số kết quả bước đầu

Theo Phó giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng, kết quả bước đầu thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh khá tốt. Trong năm 2021, số giao dịch TTKDTM qua các dịch vụ ngân hàng trên địa bàn (ủy nhiệm thu/ủy nhiệm chi, séc, thẻ, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking…) đạt hơn 44 triệu giao dịch với tổng giá trị 525.666 tỷ đồng, tăng lần lượt 277% và 70% so với năm 2020.

TTKDTM trong lĩnh vực công cũng có bước phát triển. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 97,2% giao dịch nộp thuế, 99,6% số tiền điện, 12,5% cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước trên địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng. 100% trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán học phí và 57,2% số sinh viên tại trường cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng. 293/330 cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán học phí không dùng tiền mặt và 100% bệnh viện tại TP. Bến Tre chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Cũng theo Phó giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình triển khai gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Trong đó, người dân vẫn còn tâm lý e ngại là rào cản lớn nhất, đặc biệt là ở nông thôn, TTKDTM gần như còn rất mới mẻ với đại đa số người dân. Điển hình như tâm lý e ngại cung cấp thông tin cá nhân để thanh toán, sợ bị ăn cắp thông tin, bị tin tặc hack tài khoản và mất tiền. Vấn đề an toàn bảo mật tài khoản và thanh toán cũng là một rào cản, nhất là nhóm tuổi từ trung niên trở lên cho rằng sử dụng TTKDTM trên ứng dụng là thiếu an toàn, thao tác phức tạp nên không muốn thay đổi.

“Đến nay, NHNN cũng như các tổ chức tín dụng có nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thanh toán. Thực tế cho thấy các vấn đề lỗi bảo mật của ngân hàng hầu như rất ít phát sinh. Việc bị đánh cắp thông tin đa phần do người dùng chủ quan, cung cấp mã xác thực cho đối tượng lừa đảo, hoặc truy cập vào các trang web giả mạo tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Đồng thời, các ứng dụng TTKDTM với giao diện rất dễ tiếp cận, bằng ngôn ngữ tiếng Việt, thao tác hoàn toàn không phức tạp”, Phó giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bùi Thị Thúy Hằng khẳng định.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN