49 năm khôi phục và phát triển hạ tầng giao thông

01/05/2024 - 05:28

BDK - Sau gần 5 thập kỷ xây dựng lại cầu đường, hạ tầng giao thông tại tỉnh từng bước đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân một cách an toàn và kích thích phát triển kinh tế - xã hội. Cùng nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta có thêm niềm tin, nghị lực để tiếp bước trong giai đoạn mới.

Thi công mặt cầu gói XL-03 cầu Rạch Miễu 2 trên cù lao Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang.

Thi công mặt cầu gói XL-03 cầu Rạch Miễu 2 trên cù lao Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang.

khó khăn sau giải phóng

Hưởng những thành quả trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, những người trẻ ngày nay khó hình dung được đường sá tỉnh nhà vào năm 1975, cầu, đường đã bị tàn phá gần hết do chiến tranh.

Địa chí Bến Tre, xuất bản năm 2001 có ghi lại: Trong suốt 30 năm chiến tranh (1945 - 1975), đường sá trong tỉnh không những không phát triển, mà còn bị phá hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Sau ngày 30-4-1975, theo thống kê của Ty Giao thông (sau này là Sở Giao thông vận tải), 80% chiều dài của hệ thống đường bộ của tỉnh bị hỏng nặng, phần lớn các cầu bị hư hoặc bị sập.

Các trục đường giao thông quan trọng (cả thủy lẫn bộ) đều trở thành chiến trường giằng co quyết liệt giữa đôi bên. Ngay từ buổi đầu, để ngăn chặn và gây trở ngại cho cuộc tiến quân của địch, chính quyền cách mạng đã huy động nhân dân đào đường, đắp ụ, đắp cản, dựng chướng ngại vật ở dưới sông để ngăn xe cơ giới và tàu thủy của địch. Khi giặc đã chiếm đóng, thì việc đào phá giao thông, chặn đường tiếp tế của địch trở thành một mục tiêu quan trọng của lực lượng vũ trang cách mạng.

Về phía địch, để duy trì ách chiếm đóng, chúng phải sống chết bám lấy những con đường huyết mạch quan trọng nối liền các thị trấn, thị xã, các cứ điểm quân sự, canh giữ gắt gao các cầu, các bến phà. Do vậy, chúng đã xây dựng trên các trục giao thông một hệ thống đồn bót, tháp canh dày đặc để vừa bảo vệ cầu đường, vừa dùng tuyến giao thông để chia cắt, bao vây các khu du kích, đánh phá những con đường liên lạc, tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men của cách mạng…

Về đường bộ, hệ thống đường bộ của tỉnh trong thời chiến tranh bị tàn phá nặng nề. Nền đường phần lớn bị hư nát, nhiều cầu bị đặc công, du kích của ta đánh sập nhiều lần, buộc địch phải làm đi làm lại. Chúng phải xây dựng những cầu dã chiến hoặc chắp vá tạm bợ, nhằm đảm bảo sự đi lại và các cuộc hành quân bằng cơ giới. Sau ngày giải phóng 30-4-1975, thực trạng cầu, đường của tỉnh đã trở thành nỗi khó khăn lớn cho nhân dân tỉnh nhà trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế.

Những thập kỷ vươn lên

Tháng 8-1975, Ty Giao thông vận tải Bến Tre, tiền thân của Sở Giao thông vận tải sau này, được thành lập với nhiệm vụ gấp rút sửa chữa, nâng cấp các cầu, đường bị hư hỏng trong chiến tranh, củng cố lại các bến xe khách, bến tàu khách, bến phà, nhất là bến phà đầu mối, đảm bảo hoạt động của ngành thông suốt từ trên đến dưới. Đồng thời, tiến hành cải tạo lực lượng vận tải tư nhân, mua sắm thêm một số phương tiện, thiết bị, lập xưởng đóng mới và sửa chữa tàu phà, sửa sang lại các bến bãi, thống nhất quản lý toàn bộ lực lượng vận tải của tỉnh.

Khánh thành “Lộ nghĩa tình” ở xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.

Khánh thành “Lộ nghĩa tình” ở xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm.

Sau 49 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ngành giao thông vận tải của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ về mạng lưới giao thông trong tỉnh cả đường bộ, đường thủy và giao thông nông thôn, phục vụ tích cực cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến năm 2021, hiện trạng hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đã hoàn thiện và hình thành mạng lưới giao thông theo quy hoạch, đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giao thông đường bộ: Đường quốc lộ (QL) đi qua địa bàn tỉnh gồm 4 tuyến (QL.57, QL.57B, QL.57C và QL.60), tổng chiều dài 284km. Đường tỉnh (ĐT) gồm 5 tuyến (ĐT.882, ĐT.883, ĐT.885, ĐT.886, đến năm 2022 bổ sung thêm ĐT.881), tổng chiều dài 120km, nhựa hóa đạt 100%. Đường đô thị: 338km. Đường huyện gồm 44 tuyến dài 438km, nhựa hóa, bê-tông hóa đạt 95%. Đường xã, ấp, ngõ xóm: Quy hoạch giao thông nông thôn đến năm 2020 dài 4.211km, đường xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải đạt 2.057km (toàn bộ 100% xã đã có đường ô tô về đến Trung tâm xã). Giao thông đường thủy nội địa, tuyến đường thủy nội địa Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh Bến Tre 6 tuyến, dài 312km. Tuyến đường thủy nội địa địa phương quản lý 190 tuyến, dài 909km.

Bên cạnh đó, Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang được đầu tư xây dựng. Dự án có tổng mức đầu tư 6.810,11 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được chia làm 6 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tính đến ngày 15-4-2024, đã hoàn thành được tổng giá trị sản lượng là 1.471,447/3.302,882 tỷ đồng, tương đương 44,55% tiến độ dự án, tổng thể cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.

Hàng năm, cứ đến dịp lễ 30-4, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trịnh Văn Y (hay còn gọi là Ông Hai cầu đường), Chủ tịch danh dự Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh lại bồi hồi cảm xúc: “Có ngày 30-4-1975, đất nước mới có đà phát triển, các chính sách phát triển lo cho dân cũng rất tốt. Cầu, đường tại tỉnh nơi nào cũng được đầu tư, xây dựng, phục vụ nhu cầu người dân đi lại thông suốt. Như mới đây, Ấp 11, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, một con lộ ở ấp vừa được xây dựng xuyên qua những vườn dừa hữu cơ, giá dừa ở đây bán cao hơn những vùng khác. Cách đây mấy chục năm, xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cứ mỗi lần bão đến, khi ấy tôi là Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã thức sáng đêm điều hành tàu thuyền đưa dân từ các cồn vào đất liền. Ngày nay, cầu bê-tông nối các cồn với đất liền đã được đầu tư, nhờ đó, có bão thì người dân nhanh chóng vào đất liền; kinh tế của người dân vùng ven biển cũng ngày càng phát triển...”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN