Nhớ anh hùng liệt sỹ Ngô Văn Cấn

07/02/2013 - 10:47
Anh hung Ngo Văn Cấn.

Trong không khí dư âm kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2013), nhân dân Mỏ Cày còn nhớ đến ngày 22-2-1972 là ngày mà người con quê hương - anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Cấn đã anh dũng hy sinh trong trận đánh diệt gọn đồn Cầu Dầu (xã Phước Mỹ Trung) huyện Mỏ Cày, nay là huyện Mỏ Cày Bắc.

Sinh ra trong một gia đình giàu lòng yêu nước, Anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Cấn (tức Sáu Quyền) sớm tham gia hoạt động cách mạng và được đứng vào hàng ngũ Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sinh năm 1936, quê quán tại ấp Thanh Trung (xã Hưng Khánh Trung nay là xã Hung Khánh Trung B - Chợ Lách). Ngô Văn Cấn có tất cả 7 chị em, duy có ông là con trai độc nhất. Cha mất sớm, mẹ và chị em đều tham gia cách mạng tại địa phương. Ở độ tuổi 30, anh đảm trách nhiệm vụ tiểu đoàn. Những năm tháng tham gia cách mạng, anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Cấn rất ngoan cường, dũng cảm sát cánh cùng đồng đội chiến đấu chống kẻ thù xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quyền Sài Gòn suốt 12 năm.

Trong 12 năm chiến đấu, Ngô Văn Cấn đã tham gia đánh 210 trận, diệt hơn 2 ngàn tên địch, bắt sống 120 tù binh, thu gần 100 súng các loại. Riêng anh diệt và làm bị thương 185 tên địch, bắt sống 13 tên (hầu hết là ác ôn, tề điệp) thu 35 súng, 7 máy thông tin. Có trận, ngay từ phút đầu anh đã nhanh chóng bắn hạ tên địch bắn trung liên rồi sử dụng súng địch bắn mạnh vào ổ đề kháng co cụm của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị xông lên diệt gọn căn cứ địch. Một lần khác, anh và 10 chiến sĩ giả làm lính ngụy xông vào sào huyệt địch, diệt gọn một trung đội địch rồi rút ra an toàn.

Ngô Văn Cấn có nhiều thành tích xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch, trong đó có 15 cơ sở khởi nghĩa diệt ác ôn mang vũ khí về với cách mạng. Anh còn giáo dục, tổ chức 25 thanh thiếu niên làm liên lạc mật, vận động hàng trăm thanh niên tham gia du kích và vào bộ đội.

Ngày 22-2-1972, đồng chí Ngô Văn Cấn đã anh dũng hy sinh sau khi chỉ huy Tiểu đoàn diệt gọn đồn Cầu Dầu. Chiến công của anh góp phần cho cuộc tổng tiến công Đồng Khởi lần 2 (năm 1972) ở Bến Tre và liên tiếp giành thắng lợi đến đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Chiến thắng đồn Cầu Dầu giải phóng cho trên 10 ngàn người sống xung quanh.

Đồng chí Ngô Văn Cấn đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, 15 bằng khen và giấy khen, 2 lần chiến sĩ thi đua, 8 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ.

Ngày 6-11-1978, liệt sĩ Ngô Văn Cấn được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những công lao đóng góp của ông được HĐND tỉnh Bến Tre lấy tên đặt tên Trường THPT Ngô Văn Cấn, nằm trên địa bàn xã Phước Mỹ Trung.

Noi gương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Văn Cấn, Ban Giám hiệu Trường THPT Ngô Văn Cấn và Ban Chấp hành Đoàn trường đã xây dựng kế hoạch học tập truyền thống, nhận phụng dưỡng đến cuối đời vợ của anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Cấn. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên, học sinh kính viếng mộ ông, tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào thi đua với nội dung học tập tấm gương và lịch sử anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Cấn, thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Kết quả, trong những năm qua, Trường đã đạt danh hiệu thi đua nhất cụm II khối các trường PTTH tỉnh và nhận cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn Văn Trường

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN