Nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa

10/02/2025 - 05:35

BDK - Tại tỉnh, cây dừa được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực; là nguồn thu nhập của hơn 200 ngàn hộ dân khu vực nông thôn. Diện tích trồng dừa trên địa bàn tỉnh tăng hàng năm, cụ thể năm 2020 gần 74.000ha, đến cuối năm năm 2024 khoảng 80.000ha. Kết quả này cho thấy, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu theo từng thời điểm nhưng cây dừa của tỉnh vẫn đang giữ vững tính ổn định và phát triển đúng hướng.

Đa đạng sản phẩm ngành dừa của tỉnh.

Tín hiệu vui từ doanh nghiệp

Với sự đồng bộ trong nhận thức, hành động và sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền, doanh nghiệp (DN) và người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành dừa năm 2024 đạt kết quả ghi nhận.

“Năm 2024 là một năm có những tiến triển tốt hơn so với cùng kỳ. Các chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dừa tốt hơn. Doanh thu của công ty trong năm 2024 tăng 30% so với cùng kỳ 2023…”, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (BEINCO) Trần Văn Đức chia sẻ nhân dịp đầu năm mới 2025.

Theo ông Đức, những nỗ lực của các DN nói chung và BEINCO nói riêng đã và đang giúp sản phẩm dừa của tỉnh xâm nhập vào các thị trường lớn ở Mỹ và thị trường châu Âu. Đây là cơ sở để thị trường năm 2025 cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. “Năm 2025 có nhiều tín hiệu rất khả quan, với nhiều hợp đồng đã ký kết. Đây là tín hiệu vui cho công ty nói riêng và DN ngành dừa nói chung trong năm mới”, ông Đức khẳng định.

Ông Đức cho biết, hiện tại, hệ thống sản xuất và thị trường công ty đã chuẩn hóa. Công ty đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu Organic. Công ty đang liên kết xây dựng mở rộng vùng nguyên liệu tại tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định trong thời gian tới. Công ty quyết tâm xây dựng sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định ngành dừa.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Trần Văn Đức cho rằng, theo xu hướng sản xuất, kinh doanh sang các thị trường xuất khẩu lớn trên toàn cầu, hiện các DN ngành dừa trên địa bàn tỉnh đang tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng đều quan tâm đến sản xuất sạch, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Riêng công ty đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, đối với các sản phẩm của DN đang xuất khẩu tại thị trường châu Âu và Mỹ. Thị trường và nhà phân phối bắt buộc DN phải tuân thủ, cam kết nhất quán và có giải pháp căn cơ để phát triển theo hướng bền vững.

Xây dựng mã vùng trồng và sản xuất theo hướng hữu cơ

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xây dựng vùng dừa sản xuất hữu cơ tập trung 20.401ha, chiếm 25,7% tổng diện tích dừa của tỉnh (20.401/79.085ha). Trong đó, diện tích được chứng nhận sản xuất hữu cơ 12.979ha, đạt 18,5% tổng diện tích dừa của tỉnh.

Toàn tỉnh có 169 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm dừa, với nhiều loại hình, quy mô khác nhau. Sản phẩm từ dừa được đa dạng hóa. Các sản phẩm chính chế biến sâu từ dừa được xuất khẩu vào thị trường lớn, thị trường khó tính của thế giới và khu vực. Giá trị sản xuất ngành dừa của tỉnh không ngừng tăng từ năm 2020 đến nay, chiếm khoảng 8,63% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vào năm 2023.

Đến nay, toàn tỉnh có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số, với diện tích 8.391ha. Tập trung phân bố trên địa bàn huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại, TP. Bến Tre và Mỏ Cày Bắc. Toàn tỉnh có 14 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Toàn tỉnh có 50 hợp tác xã (HTX) tham gia xây dựng vùng dừa sản xuất hàng hóa tập trung có liên kết sản xuất, xuất khẩu. Loại hình liên kết chủ yếu là liên kết đầu vào cho sản xuất dừa (cung cấp vật tư nông nghiệp) và liên kết đầu ra như thu mua, xuất khẩu sản phẩm dừa. HTX vận động người dân xây dựng vùng dừa sản xuất tập trung, sản xuất hữu cơ gắn với DN thu mua dừa trái cho chế biến xuất khẩu. Một số ít HTX cung cấp dịch vụ cho người dân như: cung cấp vật tư giá ưu đãi cho sản xuất hữu cơ, tổ chức dịch vụ thu hái dừa cho người dân để giao cho DN, tham gia quản lý vùng sản xuất hữu cơ cùng với DN.

Một bộ phận HTX nhận được chính sách hỗ trợ thành lập mới, củng cố HTX; đào tạo nâng cao năng lực HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các HTX; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

“Thực hiện các giải pháp phát triển ngành dừa trong năm 2025, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, sở đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

 Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN