Bình Đại nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số

10/02/2025 - 05:35

BDK - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết: Năm 2021, huyện Bình Đại và xã Bình Thới được tỉnh chọn làm điểm triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS). Cùng với sự hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành tỉnh, kết quả bước đầu thực hiện khá toàn diện trên các mặt; trong đó, tập trung sâu vào 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thị trấn Bình Đại là đơn vị điển hình trong công tác chuyển đổi số của huyện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Sau khi tiếp thu Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy, UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/TU bằng Nghị quyết số 04-NQ/HU về CĐS huyện Bình Đại giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, UBND huyện ban hành kế hoạch CĐS hàng năm để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương. Qua triển khai, quán triệt, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ hơn về vị trí và tầm quan trọng của công tác CĐS tạo được sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện. Các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước dựa trên nền tảng số, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ CBCCVC và người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện ủy cũng đã ban hành Quyết định số 351 thành lập Ban Chỉ đạo CĐS huyện, với sự phân công đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban và 43 thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn; ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ công tác CĐS huyện. Các xã, thị trấn đều thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và ban hành quy chế hoạt động.

Huyện ủy đã tổ chức hội nghị trực tuyến cho cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở. UBND huyện tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức CĐS cho cán bộ, công chức phụ trách CĐS với 145 đại biểu tham dự; tổ chức 21 lớp tập huấn thực hiện các phần mềm ứng dụng trong CĐS nhằm nâng cao nhận thức về CĐS cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Đã tổ chức tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho học sinh THCS trên địa bàn huyện với 16 buổi, có hơn 3.200 học sinh tham dự. Qua đó, giúp học sinh hiểu rõ hơn về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt để tuyên truyền cho gia đình nắm và thực hiện, góp phần cùng chính quyền, địa phương thực hiện có hiệu quả nội dung CĐS tiến tới xây dựng nền hành chính nhà nước ngày càng văn minh, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hướng đến chính quyền số, chính quyền điện tử.

Trên cơ sở chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ CBCCVC; xây dựng và phát triển chính quyền số, CĐS; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đẩy mạnh phân cấp giải quyết TTHC; tăng cường số hóa hồ sơ, giấy tờ, cải tiến quy trình để đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng năng suất lao động; chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện việc cung cấp trực tuyến, nhất là đối với các dịch vụ công thiết yếu.

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Trong quá trình tổ chức thực hiện đã xuất hiện các mô hình hay, cách làm tốt như: mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm mua điện thoại thông minh cho hội viên phụ nữ thực hiện CĐS. Đến nay, huyện đã đạt được một số kết quả nhất định trên 3 trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) và được tỉnh đánh giá là một trong những huyện có nhiều kết quả nổi bật trong việc thực hiện CĐS. đến nay, 100% cơ quan, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội huyện và xã, thị trấn thực hiện công việc trên môi trường điện tử. Thành lập Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) đang thực hiện tích hợp số liệu của hệ thống công nghệ thông tin như: VNPT-iOffice, VNPT-iGate, VNPT-HIS, VNPT-Pharmacy, vnEdu, VNPT-CCVC, hệ thống camera giám sát tập trung, tích hợp số liệu với hệ thống thông tin báo cáo, tổng hợp giám sát, điều hành 188 chỉ tiêu bao quát tất cả các lĩnh vực trên địa bàn huyện.

Đầu tư trang thiết bị đảm bảo phục vụ hội nghị trực tuyến từ huyện đến xã, thị trấn và điểm cầu kết nối được với huyện, tỉnh và Trung ương. Thành lập 111 tổ CĐS cộng đồng. Hỗ trợ in tem và mã xác thực QR Code sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, có 265 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã và 39 hộ kinh doanh thực hiện chữ ký số, báo cáo thuế và nộp thuế bằng giao dịch điện tử. Thực hiện mô hình tuyến đường không dùng tiền mặt dọc 2 bên quốc lộ 57B, mô hình chợ 4.0 tại chợ huyện. Mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn huyện được các nhà mạng triển khai thực hiện phủ kín trên 95%, mạng di động 4G đã được phủ khắp, 85% người dân trên địa bàn huyện sử dụng điện thoại thông minh...

Lĩnh vực nông nghiệp được đầu tư và đưa vào sử dụng 3 hệ thống cảnh báo nhiễm mặn trên địa bàn; đầu tư xây dựng phần mềm mô hình quản lý nuôi tôm công nghệ cao, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP và giới thiệu lên sàn thương mại điện tử. Thực hiện kết xuất, chuẩn hóa, khởi tạo dữ liệu dân số trên địa bàn huyện, ứng dụng chăm sóc sức khỏe thông minh, hồ sơ sức khỏe và ứng dụng thiết bị di động trên hai nền tảng Android và IOS. Triển khai phần mềm Cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên thiết bị di động với tên gọi “Bến Tre Tourism” trên hai nền tảng IOS, Android cho cán bộ, công chức phụ trách du lịch.

Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết thêm, đến nay, huyện có 8/13 chỉ tiêu đạt và vượt. Công tác tuyên truyền thực hiện có bước sáng tạo và đổi mới, phát huy hiệu quả hoạt động của tổ CĐS cộng đồng, đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp mở tài khoản người dùng dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến từng bước hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số….

CĐS đã làm thay đổi thói quen và lề lối làm việc truyền thống sang phong cách làm việc hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thực hiện CĐS và cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị được đảm bảo. Tỷ lệ CBCCVC cấp huyện có trang bị máy tính đạt 100%; cấp xã, thị trấn đạt 96%.

(Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân)

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN