Dự kiến sẽ tiến hành khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn tỉnh

07/02/2025 - 05:31

BDK - Cát sông là tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trong những năm qua, bên cạnh các doanh nghiệp (DN) ở các tỉnh, thành phố, trong đó có Bến Tre khai thác cát sông đúng quy định, vẫn tồn tại tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân, sử dụng phương tiện tự có, tiến hành khai thác cát trái phép. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế cho Nhà nước, đồng thời tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực như thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, bờ kè, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Phúc Hậu

Thực trạng và chủ trương của tỉnh

Hoạt động khai thác trái phép còn làm suy giảm hệ sinh thái bờ sông, phá hủy môi trường sống của các loài động thực vật, gây tổn hại cho nguồn tài nguyên thiên nhiên... Mặc dù công tác quản lý khai thác cát lòng sông vẫn còn nhiều bất cập, nhưng nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực giám sát đến sự tham gia của cộng đồng sẽ kiểm soát tốt hoạt động khai thác cát, từ đó đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giúp ổn định giá cả và cung cấp đủ nguồn cát phục vụ cho xây dựng công trình.

Để đảm bảo việc khai thác nguồn tài nguyên cát sông đúng quy định pháp luật, căn cứ theo Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24-2-2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 17-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Quyết định số 1728/QĐ-UBND ngày 28-7-2024 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát lòng sông) trên địa bàn tỉnh năm 2024; việc khai thác cát sẽ được thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đảm bảo khai thác hợp lý và hiệu quả khoáng sản, hạn chế thất thoát tài nguyên, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành việc đấu giá quyền khai thác cát và sắp tới sẽ tiến hành khai thác 3 mỏ cát, bao gồm: (1) Mỏ Quới Sơn thuộc xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, trữ lượng 1.073.695m3; (2) Mỏ An Hiệp - An Ngãi Tây thuộc xã An Hiệp và xã An Ngãi Tây, huyện Ba Tri, trữ lượng 1.463.610m3; (3) Mỏ An Đức - An Hòa Tây thuộc xã An Đức và xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, trữ lượng 1.696.818m3. Tổng số tiền thu được từ đấu giá khoảng 488 tỷ đồng, sẽ được nộp vào ngân sách tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần đảm bảo việc khai thác tài nguyên hiệu quả, tránh lãng phí. Mục đích khai thác 3 mỏ cát này là để cung cấp vật liệu cho các dự án, công trình hạ tầng cơ sở và dân dụng trên địa bàn tỉnh, khu vực lân cận, đồng thời cung ứng một phần cát san lấp cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành Đai 3 TP. Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26-6-2024.

Bên cạnh việc khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá, vào năm 2024, tỉnh cũng thực hiện giao khu vực khoáng sản theo cơ chế đặc thù nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp cho các công trình giao thông trọng điểm. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang làm chủ đầu tư cho dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong khi Sở Giao thông vận tải Hậu Giang là chủ đầu tư dự án thành phần 3 của dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Việc đầu tư xây dựng các dự án giao thông cao tốc tại khu vực phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng, cụ thể hóa các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đây là trách nhiệm chung của cả nước, của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có sự hỗ trợ của tỉnh, nơi có nguồn vật liệu phục vụ cho các dự án này.

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã giao 4 khu vực khoáng sản cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù, gồm: (1) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Phú Đức, huyện Châu Thành, trữ lượng 1.124.511m3; (2) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Định Trung, huyện Bình Đại, trữ lượng 787.728m3; (3) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Tiền thuộc xã Sơn Định, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, trữ lượng 1.015.883m2; (4) Khu vực khoáng sản cát lòng sông Ba Lai thuộc xã Phong Nẫm, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm và xã Châu Hưng, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, trữ lượng 661.040m3. Tổng số tiền thu được từ việc giao khoáng sản theo cơ chế đặc thù khoảng 25 tỷ đồng, số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách tỉnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mục đích của việc khai thác 4 khu vực khoáng sản theo cơ chế đặc thù là cung cấp vật liệu cho các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và dự án thành phần 3 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Trách nhiệm của doanh nghiệp khi khai thác

Dù khai thác khoáng sản theo hình thức đấu giá hay cơ chế đặc thù, việc bảo vệ môi trường vẫn là yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Do đó, trước khi tiến hành khai thác, đơn vị trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Báo cáo này cần phải nêu rõ phương pháp khai thác, dự báo các tác động đến lòng, bờ, bãi sông và đề xuất các giải pháp cụ thể để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, cần dự báo những đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở, từ đó tính toán phương pháp cải tạo và phục hồi môi trường hiệu quả.

Trước khi thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đơn vị trúng đấu giá sẽ thực hiện tham vấn cộng đồng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Việc tham vấn sẽ được thực hiện thông qua hình thức đăng tải trên website của Sở Tài nguyên và Môi trường và tổ chức lấy ý kiến từ người dân. Đối với việc khai thác theo cơ chế đặc thù, mặc dù đơn vị được giao mỏ không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng đơn vị đó phải cam kết các biện pháp bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác.

Khi tiến hành khai thác, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc khai thác phải cách bờ ít nhất 200m, chỉ được khai thác từ 7 giờ đến 17 giờ, tuyệt đối không khai thác vào ban đêm. Việc khai thác phải thực hiện đúng với số lượng thiết bị được phép và các thiết bị khai thác phải được đăng kiểm theo quy định. Ngoài ra, cần lắp đặt camera giám sát khai thác và thiết bị hành trình trên các phương tiện vận chuyển để cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát khối lượng khai thác.

Ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành và địa phương, đồng thời công khai thông tin về cấp phép và hoạt động khai thác; công bố danh sách các DN được cấp phép khai thác để người dân có thể tham gia giám sát.

Tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng và DN về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Yêu cầu các DN thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định.

Phát huy vai trò giám sát của người dân

Để việc khai thác đạt đúng mục đích, công khai, minh bạch và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường ven sông, các cơ quan quản lý nhà nước rất cần sự tham gia giám sát từ cộng đồng dân cư tại khu vực khai thác; giúp cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh hoạt động khai thác và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả hơn. Những nội dung cần thiết để người dân tham gia giám sát bao gồm:

Theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát lòng sông để phát hiện các dấu hiệu khai thác trái phép (như phương tiện không đúng theo đăng ký, khai thác vượt ngoài phạm vi cho phép, khai thác quá gần bờ, khai thác ngoài giờ quy định, hoặc có dấu hiệu thông đồng giữa đơn vị được cấp phép và các đối tượng khai thác trái phép…), cũng như những hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc sạt lở bờ sông…

Thông cáo kịp thời cho chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng hoặc qua các kênh phản ánh như đường dây nóng (Điện thoại số 0275.3813.153 - Di động: 0909.377.149 gặp ông Nguyễn Quang Minh - Quyền Chánh Thanh tra sở) hoặc cơ quan báo chí.

Đề xuất chính sách nhằm đảm bảo khai thác cát lòng sông mang lại lợi ích chung và không gây thiệt hại cho người dân địa phương. Tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án khai thác cát lòng sông thông qua các cuộc họp tham vấn cộng đồng.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN