|
Ông Trần Văn Đấu (trái) trao bằng công nhận làng nghề cho địa phương. |
Làng nghề bó chổi ở ấp An Hòa, xã Mỹ An (Thạnh Phú) là làng nghề tiểu thủ công nghiệp thứ 18 của Bến Tre đã được UBND tỉnh công nhận (ngày 10-1-2011), đây là cơ hội tốt để địa phương hướng đến sự phát triển vững chắc hơn. Lễ trao bằng công nhận làng nghề bó chổi của UBND tỉnh cho địa phương đã được tổ chức trang trọng tại xã Mỹ An vào ngày 25-2-2011, với sự chứng kiến của lãnh đạo các cấp và đông đảo bà con làng nghề.
Giải quyết việc làm lao động nông thôn
Mỹ An là một xã cù lao, bốn bề sông nước (xã được tách ra từ 2 xã Mỹ Hưng và An Thạnh vào năm 2001), có diện tích tự nhiên hơn 3,3 ngàn ha, 6/6 ấp đều đạt chuẩn văn hóa. Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp và tập trung nhiều nhất ở ấp An Hòa - điểm xuất phát đầu tiên của làng nghề. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Đến năm 2006, nghề bó chổi ở ấp An Hòa phát triển mạnh, trở thành nơi cung ứng hàng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt, thời gian gần đây còn xuất khẩu sang Campuchia. Hiện, ấp An Hòa có 161/419 hộ dân tham gia bó chổi, trong đó, có 27 hộ sản xuất với quy mô lớn. Năm 2009, làng nghề đã xuất bán được hơn 3,8 triệu sản phẩm (tăng gấp 5 lần so với năm 2006); năm 2010, đã xuất bán được hơn 5,2 triệu sản phẩm chổi các loại. Để có đủ nguồn nguyên liệu (cọng lá dừa đã phơi khô), ngoài nguồn cung ứng tại chỗ, những cơ sở bó chổi nơi đây phải thu mua thêm ở một số huyện khác (Mỏ Cày Nam, Ba Tri)…
Làng nghề vừa giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương (đa số là lao động nữ), vừa tạo được nguồn thu khá cho các cơ sở gia công. Hàng năm, làng nghề giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động tại chỗ, chiếm hơn 40% số lao động trong toàn ấp; doanh thu đạt từ 21 đến 24 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ 2 đến 2,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp đạt 15-17 triệu đồng/người/năm. Bình quân mỗi lao động bó chổi thu nhập khoảng 60 ngàn đồng/người/ngày, có những lao động giỏi đạt gấp đôi.
Chị Trần Thị Tuyết - người đã có gần 10 năm gắn bó với nghề chia sẻ: “Trước kia, cuộc sống của vợ chồng tôi khó khăn lắm, không có nhà cửa gì, phải ở đậu trên phần đất người bà con. Rồi tôi học nghề bó chổi và cố gắng làm, dành dụm, nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình tôi nay đã khá hơn trước nhiều”. Bây giờ, không chỉ là người giỏi nghề, chị Tuyết còn lập hẳn một cơ sở với gần một chục chị em đến làm công mỗi ngày. Các chị em trong cơ sở của chị hầu hết đều thuộc hộ nghèo, có vài chị là người ở ngoài tỉnh theo chồng về đây, rồi tập tành và quen dần với nghề bó chổi, có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Về làng nghề, đi từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng thấy người bó chổi. Có nhiều hộ cả gia đình, từ người lớn đến trẻ em đều biết nghề bó chổi. Ở các cơ sở thì đông đúc hơn, không khí làm việc luôn nhộn nhịp và rôm rả tiếng nói cười. Từ những bàn tay lành nghề, nhanh nhẹn, những cây chổi được bó thật đều, thật chặt và rất khéo lần lượt ra đời.
Nghề bó chổi góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương.
Hướng đến tương lai
Được công nhận làng nghề là niềm vui chung của địa phương với nhiều hướng mở, nhưng làng nghề bó chổi vẫn còn canh cánh nhiều nỗi lo, cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Bởi làng nghề còn tổ chức sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình, hoàn toàn thủ công, chưa định hướng được thị trường tiêu thụ, chưa có chiến lược phát triển sản phẩm một cách bền vững và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm… Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thạnh Phú - Nguyễn Khuyến Khích cho biết: Dưới góc độ chuyên ngành, thông qua chương trình khuyến công, chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ cho làng nghề trong việc cải tiến quy trình kỹ thuật, gia công sản phẩm, tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện cho làng nghề tiếp tục phát triển. Đồng thời, về tổ chức, làng nghề, các cơ sở gia công cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau, tạo một đầu mối thống nhất về chất lượng sản phẩm, giá cả, hợp đồng cung ứng sản phẩm. Sản phẩm chổi cọng dừa là sản phẩm đặt trưng của vùng, vì vậy, chúng ta cần phải có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những chiếc chổi do người dân ấp An Hòa, xã Mỹ An bó nay đã có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Việc được công nhận làng nghề không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự mà chính là kết quả của sự cố gắng của bà con làng nghề và các ngành hữu quan trong suốt thời gian qua. Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Văn Đấu nói: Nhà nước công nhận làng nghề bó chổi ở ấp An Hòa, xã Mỹ An là ghi nhận kết quả của quá trình phấn đấu làm việc, lao động của bà con trong làng nghề, sự phối hợp tạo điều kiện cho làng nghề hoạt động của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan. Việc được công nhận làng nghề là cơ sở để các cấp xem xét hỗ trợ, thực hiện chính sách phát triển làng nghề theo quy định của Nhà nước. Đây chỉ mới là bước đầu, điều quan trọng là sự phát triển của làng nghề trong tương lai. Ông Đấu nêu ra một số vấn đề làng nghề cần lưu ý như: Cần có kế hoạch, phương án đầu tư phát triển làng nghề sau khi được công nhận, chú ý đến nhãn hiệu, chất lượng, mẫu mã, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng suất lao động; nghiên cứu, phát triển thêm sản phẩm mới, nâng cao thu nhập và hiệu quả của làng nghề…
Có thể nói, dù chưa có nhiều “tiếng tăm”, nhưng làng nghề bó chổi ở ấp An Hòa - xã Mỹ An đã tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Mặt khác, làng nghề còn góp phần kết chuỗi sản phẩm hàng hóa của ngành dừa, nâng cao giá trị của cây dừa. Nghề sản xuất này cũng không quá phức tạp nên dễ truyền nghề cho nhau, sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thông dụng của đời sống nên làng nghề có cơ sở để phát triển lâu dài, bền vững.