Vươn lên từ nghề bó chổi

03/01/2025 - 05:26

BDK - Trước đây, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Thủy và anh Lê Văn Lượm ở ấp Linh Qui, xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm luôn gắn liền với những khó khăn chồng chất.  Với ý chí vươn lên và sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vợ chồng chị Thủy đã vươn lên thoát nghèo bằng nghề bó chổi truyền thống của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thủy vui mừng thoát nghèo từ nghề bó chổi.

Lập gia đình, cha mẹ cho ra riêng với 2 công đất, chồng thì làm thuê mướn, vợ ở nhà bó chổi trang trải cuộc sống gia đình. Rồi 6 người con lần lượt ra đời, khó khăn chồng chất khó khăn khi các con ngày một lớn, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền. Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, quyết tâm cho con ăn học để thoát nghèo, anh chị đã làm việc cần cù, siêng năng. Cơ duyên cũng thật may mắn khi công việc bó chổi của chị Thủy ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ, từ đó thu nhập của anh chị cũng dần được cải thiện hơn. Anh Lượm - chồng chị Thủy cũng ở nhà phụ vợ công việc bó chổi, nuôi con ăn học, 6 người con đều tốt nghiệp cấp 3, trong đó có 2 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Đến nay, các con của anh chị đã lập gia đình và có việc làm ổn định.

Anh Lê Văn Lượm cho biết: “Trước đây, tôi làm nhiều nghề, thu nhập bấp bênh. Nhưng khi thấy nghề bó chổi của vợ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, tôi đã quyết định cùng vợ phát triển nghề này. Chúng tôi cùng nhau thu mua nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đến nay thu nhập rất ổn định”.

Chị Thủy cho biết, tháng 10-2022, trong lần đi họp Tổ phụ nữ ấp, chị biết đến nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh, chị đã mạnh dạn đăng ký vay số tiền 20 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất nhỏ của mình. Có được nguồn vốn này, chị Thủy mạnh dạn đi thu mua cọng dừa và đầu cau, dây lạt, sau đó về phơi khô xử lý và cho ra những thành phẩm đẹp mắt.

 Ban đầu, mô hình của anh chị chỉ có 4 nhân công là anh chị và 2 người con ở chung nhà. Sau đó thấy thu nhập có phần khấm khá hơn. Năm 2023, 2024 đến hạn quay vòng nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ phụ nữ, chị Thủy lại tiếp tục đăng ký vay vốn với số tiền 30 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, chị Thủy đã vay vốn được 3 chu kỳ và cơ sở sản xuất của chị đã tạo được việc làm cho 6 nhân công, với quy mô mỗi tháng anh chị xuất bán được 2 lần. Mỗi lần dao động khoảng từ 1.000 - 2.000 cây chổi. Với giá thành phẩm 14.000 đồng/cây, trung bình mỗi tháng anh chị có doanh thu khoảng 40 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí anh chị lãi từ 15 - 20 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Thủy cho biết, việc được tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ hỗ trợ phụ nữ đã giúp gia đình chị mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. “Nhờ có nguồn vốn này, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua thêm nhiều nguyên liệu để việc bó chổi phát triển hơn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, gia đình cũng đã thoát nghèo”, chị Thủy chia sẻ.

Từ đôi bàn tay khéo léo, với nỗ lực không ngừng vươn lên thoát nghèo bằng nghề bó chổi truyền thống, chị Nguyễn Thị Thủy không những vượt qua mọi khó khăn phát triển kinh tế nuôi sống gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Chị là tấm gương sáng về nghị lực thoát nghèo cho các chị em đang gặp khó khăn học tập noi theo.

“Chị Nguyễn Thị Thủy là điển hình tiêu biểu cho sự nỗ lực vượt khó của phụ nữ nông thôn. Trong thời gian tới, hội sẽ thành lập tổ phụ nữ bó chổi nhằm tạo điều kiện cho chị em có nghề ổn định, nâng cao thu nhập và cũng từ đó sẽ thu hút chị em tham gia với tổ chức hội”.

(Phó chủ tịch Hội LHPN xã Long Mỹ Bùi Thúy Lan)

Bài, ảnh: Diệu Hiền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN