Hiệu quả nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

03/01/2025 - 05:26

BDK - Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) tại tỉnh chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây nhưng mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân. Đây là mô hình nuôi tôm nước lợ thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước hiện đại hóa nghề nuôi tôm và giảm thải ra môi trường để hướng đến phát triển bền vững.

Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú. ảnh: phương Thảo

Phát triển diện tích nuôi

Nghề nuôi tôm nước lợ tại tỉnh đã phát triển hơn 20 năm và ngày càng hiện đại. Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh thì nuôi tôm nước lợ chiếm trên 75%. Theo thống kê, năm 2024, toàn tỉnh có 36.000ha nuôi tôm nước lợ gồm: tôm ứng dụng CNC, tôm thâm canh, bán thâm canh, tôm lúa, quảng canh… Ước tính giá trị ngành tôm nước lợ của tỉnh chiếm 53% so với tổng giá trị mang lại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với hơn 6.300 tỷ đồng. Khoảng 7 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm nước lợ có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm CNC với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, các nông dân như: Lê Văn Sấm (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng/năm, Trần Văn Hừng (xã Định Trung, huyện Bình Đại) lợi nhuận gần 10 tỷ đồng/năm, Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) lợi nhuận gần 40 tỷ đồng/năm, Nguyễn Minh Nhủ (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri) lợi nhuận hơn 20 tỷ đồng/năm…

Gia đình ông Đặng Văn Bảy (ngụ xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC gần 7 năm qua mang lại hiệu quả cao. Nhiều năm liền ông vinh dự được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Ông Bảy cho biết: “Hiện tại tôi có 50ha nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC được chia làm 6 khu nuôi. Tất cả đều sử dụng công nghệ hiện đại như: nhà lưới, máy cho ăn tự động, máy tạo Oxy, máy sục khí Clo xử lý nước… để nuôi tôm 4 giai đoạn mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình tôi thu hoạch hơn 600 tấn, lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng”. Theo ông Bảy, nuôi tôm ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu của nông dân vì sử dụng công nghệ hiện đại, nuôi tôm đạt kích cỡ lớn để mang lại lợi nhuận cao. Ngoài ra, khi nông dân sử dụng công nghệ sục khí Clo, thuốc sinh học sẽ giảm thiểu phát thải ra môi trường để hướng đến phát triển bền vững so với cách nuôi truyền thống bằng ao đất như trước đây.

Huyện Bình Đại là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC. Năm 2017, toàn huyện có 7 hộ nuôi ứng dụng CNC với diện tích 22ha, đến nay có 509 hộ nuôi với diện tích hơn 1.800ha. Quy trình nuôi từ nguồn nước đầu vào đến các chất thải ra được xử lý khép kín, vừa quản lý tốt mầm bệnh vừa bảo đảm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại Trịnh Võ Quốc Toàn đánh giá: Mô hình nuôi tôm CNC có nhiều ưu điểm, hiệu quả, an toàn hơn so với mô hình nuôi tôm thâm canh ao đất truyền thống như: chủ động kiểm soát được môi trường, nguồn nước, sức khỏe tôm, dịch bệnh, mật độ tôm từng giai đoạn… Từ đó, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi”.

Hoàn chỉnh hạ tầng tại các vùng nuôi tập trung

Năm 2018, toàn tỉnh chỉ có 550ha nuôi tôm CNC thì đến nay diện tích đã tăng lên 3.610ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng CNC đạt 90.250 tấn, chiếm trên 58% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh. Ưu điểm của mô hình này là đầu tư khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao... Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Châu Hữu Trị cho biết: “Tỉnh đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín và có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đầu tư khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị ngành tôm. Từ đó, hình thành và phát triển mạnh các vùng nuôi tôm ứng dụng CNC bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…”.

Gần đây, cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm nước lợ tại tỉnh dần được hoàn chỉnh tại các vùng nuôi tập trung. Đặc biệt, quan tâm đầu tư hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm ứng dụng CNC từ các công trình giao thông, thủy lợi, điện… Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Huỳnh Văn Mai cho biết: Hiện tại, huyện tập trung thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản. Trong đó, dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản xã Định Trung với kinh phí 83,1 tỷ đồng gồm: nạo vét tuyến kênh, xây dựng đường, xây dựng cống, hạ tầng điện đã đưa vào sử dụng. Đồng thời, UBND tỉnh phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại với kinh phí 80 tỷ đồng. Khảo sát và đang thi công Trạm biến áp 110kV cấp điện cho vùng nuôi tôm CNC trên địa bàn huyện…”.

Hiện tại, tỉnh đang triển khai 3 dự án đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại huyện Bình Đại; Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng CNC huyện Bình Đại; Dự án Hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC huyện Ba Tri với tổng mức đầu tư 327 tỷ đồng. Ngoài ra, hạ tầng điện phục vụ cho hoạt động nuôi ứng dụng CNC đang tiếp tục hoàn chỉnh, các khu nuôi ứng dụng CNC quy mô lớn do các doanh nghiệp chủ động đầu tư. Đối với các vùng nuôi tôm quy mô tập trung Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương đã đề xuất đến Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) xây dựng các trạm biến áp 110kV trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

“Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 có chỉ tiêu phát triển 4.000ha nuôi tôm ứng dụng CNC. Đến nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC hơn 3.600ha, đạt khoảng 90% so với chỉ tiêu nghị quyết. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt phương án phát triển ngành tôm tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở cho việc tích hợp vào phương án quy hoạch nông nghiệp trong quy hoạch tỉnh. Từ đó, góp phần định hướng phát triển nhanh, bền vững đối với nghề tôm nước lợ nói chung là lĩnh vực nuôi tôm ứng dụng CNC nói riêng, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường về sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Thành Châu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN