Nông dân Bình Hòa chủ động bảo vệ cây trồng mùa hạn mặn

01/03/2024 - 05:48

BDK - Xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn của tỉnh. Tuy nhiên, hàng năm, địa phương chịu nhiều khó khăn do hạn mặn. Tính đến ngày 25-2-2024, độ mặn ghi nhận tại một số kênh, mương ở địa phương đã đạt 1,5 - 2‰. Người dân đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn mặn.

Ông Nguyễn Văn Hồng Vân đang ủ gốc giữ ẩm cho cây vào mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Hồng Vân đang ủ gốc giữ ẩm cho cây vào mùa khô.

Một số hộ dân đã nạo vét kênh mương trữ nước, đắp đập quanh vườn trữ nước ngọt, tăng cường bón phân hữu cơ, ủ gốc, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu bệnh... để bảo vệ cây trồng khỏi bị ảnh hưởng do mặn. Ông Nguyễn Văn Hồng Vân, Ấp 4, xã Bình Hòa, để bảo vệ cho vườn bưởi da xanh, ông đã chi hơn 60 triệu đồng để đào rộng các kênh mương và đắp đập ngăn mặn; đồng thời kết hợp với việc ủ gốc để giữ ẩm cho cây.

“Hạn mặn là một thách thức lớn đối với người trồng cây ăn trái ở địa phương. Tôi đã đầu tư đào kênh, đắp đập, ủ gốc, bón phân… Hy vọng với những biện pháp này, cây vườn nhà sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi mặn và cho năng suất cao”, ông Vân chia sẻ.

Ông Đinh Văn Tư, cũng ở Ấp 4, xã Bình Hòa cho biết, ông có gần 11 công đất vườn trồng cây ăn trái. Để bảo vệ vườn cây, ông thả bèo vào các kênh mương, mục đích chính là để đo độ mặn. Khi nào bèo bắt đầu cháy lá và chết đi, báo hiệu độ mặn đã vượt ngưỡng cho phép, thì ông sẽ ngừng tưới nước cho cây và bắt đầu áp dụng các biện pháp giữ ẩm cho cây trồng.

Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa hạn mặn của người dân, chính quyền địa phương cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức và trách nhiệm trong phòng chống hạn mặn. Theo Phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Ngọc Thắng, thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, thuốc trừ sâu bệnh, phân bón... cho người dân. Phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, đánh giá tình hình hạn mặn, đưa ra các biện pháp kịp thời để ứng phó. Mục tiêu chung của xã là xây dựng các giải pháp khống chế mặn xâm nhập sâu như gia cố, sửa chữa các cống, đê bao ngăn mặn. Nếu độ mặn đã vượt quá 1‰, xã sẽ tiến hành đóng cống một số tuyến và kêu gọi người dân tưới cây bằng nguồn nước ngọt đã dự trữ sẵn trong ao hồ…

Nhờ có sự chủ động của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cây trồng phát triển tốt, người dân có thu nhập ổn định. Đây là kết quả đáng mừng, góp phần nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế của xã.

Bài, ảnh: Bảo Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN