Phát triển ổn định 80 ngàn héc-ta dừa của tỉnh

08/05/2024 - 05:27

BDK - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) cả nước đạt từ 2,1 - 2,3 triệu héc-ta (trong đó dừa đạt khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn). Nhằm cụ thể hóa Đề án của Bộ NN&PTNT phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thu hoạch dừa xiêm xanh tại huyện Giồng Trôm.

Thu hoạch dừa xiêm xanh tại huyện Giồng Trôm.

Duy trì diện tích dừa

Tính đến hết quý I-2024, tổng diện tích dừa của tỉnh khoảng 79.078ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu do một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa. Sản lượng thu hoạch lũy kế 3 tháng ước đạt 182,94 triệu trái, tăng 1,37% so với cùng kỳ.

Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa; cụ thể, phát triển 1.500ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1.000 triệu USD. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa; cụ thể: Phát triển 5.000ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha. Cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2.000 triệu USD. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.

Các nhiệm vụ, giải pháp

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án. Thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, chuyển kịp thời đến các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu dừa trên địa bàn tỉnh để biết, thực hiện. Đồng thời, vận động, khuyến khích DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung.

Sơ chế dừa xiêm xanh xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, huyện Châu Thành.

Sơ chế dừa xiêm xanh xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, huyện Châu Thành.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các DN trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, củng cố, phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác.

Tập trung xây dựng hệ sinh thái DN đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường hoạt động khuyến công, công tác hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến dừa có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa. Định hướng về phát triển công nghệ chế biến và bảo quản, cơ cấu các loại sản phẩm chế biến gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.

Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ du lịch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành hàng và DN tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu... Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.

“Để thực hiện tốt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tỉnh tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực như: Nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống mới; quy trình canh tác; cơ giới hóa các khâu sản xuất; nghiên cứu thiết bị, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; tháo gỡ rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ... sản phẩm chủ lực của tỉnh”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)

Bài, ảnh: Phương Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN