Quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

19/06/2019 - 14:07

BDK - Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn duy nhất Bến Tre là chưa xảy ra dịch. Trước tình hình này, ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn heo nhập vào tỉnh ở các chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại các cửa ngõ ra vào tỉnh, đặc biệt lưu ý các xe chở heo phủ kín bạt nhằm tránh kiểm soát của lực lượng thú y.

Vệ sinh, khử trùng phương tiện vận chuyển heo.

Vệ sinh, khử trùng phương tiện vận chuyển heo.

Không được chủ quan

Kể từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố ổ DTHCP đầu tiên phát sinh tại tỉnh Hưng Yên (ngày 19-2-2019) đến ngày 17-6-2019, dịch đã lây lan rộng trên 58 tỉnh, thành trong cả nước. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và rộng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Cả nước có hơn 2,4 triệu con heo phải tiêu hủy bắt buộc, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước tiêu tốn rất nhiều cho công tác phòng chống dịch. Tại đồng bằng sông Cửu Long, chỉ còn tỉnh Bến Tre chưa xảy ra dịch.

Bến Tre có ngành chăn nuôi heo khá phát triển, tổng đàn heo trên 641 ngàn con, đứng thứ hai trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi thời gian qua luôn ở mức cao, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh. Nhằm chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và ứng phó với dịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh việc triển khai kịp thời các chốt kiểm soát nhằm tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, mua bán heo và các sản phẩm từ thịt heo, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra việc giết mổ động vật không có kiểm soát của thú y, kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ không có kiểm soát của thú y; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán, vận chuyển heo mọi lai vì xác định đây là nguồn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó là công tác thông tin, tuyên truyền được tổ chức thực hiện trên nhiều kênh như tọa đàm trực tiếp với hộ chăn nuôi, các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, người chăn nuôi đã nắm bắt được thông tin về tình hình dịch bệnh, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi heo đã chủ động mua sắm các máy phun xịt, thuốc sát trùng để hàng ngày tiêu độc, khử trùng chuồng trại (tăng gấp 2 - 3 lần tần suất phun khử trùng), hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc của đàn heo với môi trường bên ngoài.

Nâng cao tinh thần cảnh giác

Trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này chưa phát sinh bệnh DTHCP. Tuy nhiên, xe từ các tỉnh đã và đang xảy ra DTHCP như Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng... vào tỉnh để mua heo rất nhiều, nên nguy cơ mang mầm bệnh vào tỉnh rất cao. Mặt khác, hiện nay là thời điểm giao mùa (bắt đầu vào mùa mưa), các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống kênh rạch dày đặc, giao thông đường thủy, đường bộ đan xen, khó kiểm soát. Vì vậy, mầm bệnh dễ phát tán và lây lan sang các tỉnh chưa có dịch, đặc biệt tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh giáp với Bến Tre đã và đang có dịch nên cảnh báo nguy cơ dịch xâm nhiễm vào tỉnh trong thời gian tới là rất cao.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, bên cạnh sự quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, cần có sự chủ động tích cực của chính từng người chăn nuôi và người tiêu dùng. Để ngăn ngừa dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo hộ chăn nuôi heo thực hiện biện pháp “5 không”. Bệnh DTHCP không lây sang người, người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay và quay lưng với sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh và được chế biến hợp vệ sinh. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt heo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín thịt trước khi dùng.

Chủ trương của tỉnh là chủ động, quyết liệt phòng, chống bệnh DTHCP từ xa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Mọi người dân hãy chung tay phòng, chống bệnh DTHCP.

Để chủ động ứng phó với bệnh DTHCP, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch lây lan diện rộng. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Nếu dịch bệnh xảy ra, hậu quả sẽ rất khó lường. Đồng thời, từng cấp từ tỉnh đến huyện, xã xây dựng ngay kịch bản ứng phó dịch ở từng cấp độ khác nhau, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện ổ dịch như: địa điểm tiêu hủy heo, đặc biệt các địa phương cần có giải pháp cho những hộ không có đất hoặc tình huống phải tiêu hủy heo nuôi quy mô trang trại hoặc heo của nhiều hộ bị bệnh cùng một thời điểm. Tổ chức thực hiện công tác chống dịch, không để bị động với phương châm “chống dịch như chống giặc” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và “4 tại chỗ” là: chỉ đạo tại chỗ; nhân lực tại chỗ; vật tư tại chỗ và phương tiện tại chỗ.

Bài, ảnh: Ngọc Thuận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN