Thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch tả heo châu Phi

07/06/2019 - 07:06

BDK - “Đến ngày 6-6-2019, Bến Tre là một trong hai địa phương (gồm Long An và Bến Tre) ở đồng bằng sông Cửu Long chưa xảy ra dịch tả lợn (heo) châu Phi, mặc dù tỉnh được đánh giá là địa phương có nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập. Đó là do thời gian qua, công tác kiểm soát dịch bệnh được triển khai rất quyết liệt, người chăn nuôi cũng nâng cao ý thức trong phòng ngừa bệnh cho đàn heo” - ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Phun hóa chất khử trùng các phương tiện vận chuyển heo vào tỉnh ở Chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu.

Phun hóa chất khử trùng các phương tiện vận chuyển heo vào tỉnh ở Chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu.

Để Người chăn nuôi an tâm

Một số người dân là chủ trang trại nuôi heo tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam thông tin: Tỉnh đã làm rất tốt công tác kiểm soát khâu vận chuyển heo qua các chốt, cửa ngõ vào tỉnh, triển khai việc tiêm phòng các loại bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại đồng loạt và khẩn trương. Điều đó làm người chăn nuôi thấy an tâm.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh đã ban hành Kịch bản ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh hôm 30-5-2019. Mục tiêu của kịch bản là phát hiện sớm, xử lý kịp thời triệt để ngay khi phát hiện ổ dịch; triển khai ngay các giải pháp để giảm nguy cơ vi-rút nhân lên và phát tán rộng, khống chế kiểm soát nhanh dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Theo đó, kịch bản làm rõ các khái niệm về ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Đồng thời, nhấn mạnh một số giải pháp kỹ thuật chính xử lý ổ dịch tả heo châu Phi: nghiêm cấm điều trị heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ (kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với dịch bệnh dịch tả heo châu Phi) đối với trường hợp ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán heo, sản phẩm heo, cơ sở giết mổ heo.

Bên cạnh đó, theo kịch bản, tỉnh nghiêm cấm vận chuyển heo và các sản phẩm heo ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Thành lập các tổ ứng phó nhanh với dịch (gồm 7 tổ), tất cả các tổ đều phải có quyết định thành lập của UBND cấp xã, danh sách đi kèm và số điện thoại của tổ trưởng. Chủ hộ chăn nuôi có heo phải  tiêu hủy bắt buộc được hỗ trợ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định. Kinh phí của tỉnh đảm bảo cho các hoạt động: xử lý ổ dịch như thuê mướn công lao động, máy móc đào hố chôn hủy heo, vận chuyển heo đi chôn hủy, vật tư, vôi bột và tiền hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo tiêu hủy.

Ban hành kèm Kịch bản ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh là hướng dẫn vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường khi xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi và hướng dẫn kỹ thuật tiêu hủy bắt buộc heo bệnh và sản phẩm của heo bệnh.

Quản lý chặt các khâu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển sản phẩm heo không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh và các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời hoặc gian lận khai báo heo mắc bệnh phải tiêu hủy nhằm trục lợi. Ngày 3-6-2019, Cục Thông tin cơ sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp tài liệu tuyên truyền về một số biện pháp khẩn cấp về quản lý giết mổ heo, tiêu thụ sản phẩm từ heo khi có bệnh dịch tả heo châu Phi đến các tỉnh, thành phố.

Trước đó, ngày 16-5-2019, Bộ Tài chính đã có công văn về việc phối hợp sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, nội dung sửa đổi chủ yếu là “UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ chủ vật nuôi có heo mắc bệnh, heo nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với heo con, heo thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác hỗ trợ với mức từ từ 1,5 đến 2 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác tại thời điểm có dịch bệnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN