Tăng cường các hoạt động phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn

05/01/2011 - 08:36
Ký kết liên tịch hoạt động của nhóm tín dụng trong năm 2010.

Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) bao gồm 4 hợp phần chính: cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn, mở rộng cơ hội thị trường cho người nghèo nông thôn và quản lý dự án. Trong năm 2010, các hợp phần của dự án đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Riêng hợp phần phát triển dịch vụ kinh doanh nông thôn với nhiều hoạt động liên quan đến chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nông thôn, kết nối và tạo việc làm, cải thiện chất lượng sản xuất nông nghiệp, tín dụng... đã tạo được bước chuyển đáng kể ở các xã tham gia dự án.

Trong năm qua, các huyện đã tổ chức hội thảo lựa chọn các sản phẩm chính để tập trung phát triển chuỗi giá trị và gắn với các ưu tiên giảm nghèo. Đặc biệt với chuỗi giá trị dừa, dự án đã hỗ trợ Hiệp hội Dừa tham dự diễn đàn Cộng đồng dừa châu Á - Thái Bình Dương, khảo sát các sản phẩm dừa sử dụng công nghệ mới của các nước trong khu vực để các thành viên Hiệp hội tham khảo và ứng dụng. Dự án đang hỗ trợ Hiệp hội xây dựng kế hoạch chi tiết về liên kết các thành viên gồm nông dân, nhà chế biến và nhà quản lý; tổ chức các khóa đào tạo về quản trị Hiệp hội cho những người lãnh đạo và các thành viên của Hiệp hội. Một số chi hội trồng dừa đã được thành lập nhằm liên kết những người trồng dừa với nhau.
Về nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nông thôn, dự án đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức 4 lớp về kỹ năng quản lý chợ nông thôn cho các ban quản lý chợ xã, về khởi sự kinh doanh, kỹ năng bán lẻ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh các huyện; cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho nông dân, hộ kinh doanh các huyện tham gia các chuyến khảo sát thị trường nông sản ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về cây ăn trái và dừa.
Dựa trên chương trình kết nối việc làm với doanh nghiệp địa phương và nhà đầu tư, DBRP Bến Tre phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức 12 hội thảo kết nối việc làm cho thanh niên nông thôn ở các huyện. Thông qua Trung tâm Xúc tiến đầu tư, DBRP đã kết nối với các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Giao Long và An Hiệp ký 7 cam kết hỗ trợ cung cấp lao động. Qua các buổi giới thiệu và kết nối lao động, doanh nghiệp cũng đã phản hồi và đã có 500 lao động được tuyển dụng. DBRP đang tiếp tục phổ biến thông tin việc làm tại 50 xã (cung cấp tờ bướm và tổ chức gặp trực tiếp lao động) để thu hút người nghèo nông thôn tham gia chương trình.
Thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng sản xuất nông nghiệp, DBRP đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa giống, 7 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây dừa cho nông dân; xây dựng 3 mô hình sản xuất rau sạch, 1 mô hình chuyển đổi giống bò chất lượng cao nhằm tuyên truyền cho nông dân vùng dự án ứng dụng sản xuất; nâng cao kiến thức và kỹ năng khuyến nông cho 44 khuyến nông viên cơ sở. Dự án cũng đã tổ chức quảng bá hàng nông sản cho các xã tại Hội chợ Cây - trái ngon, an toàn của tỉnh và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các hội thảo về kiểm soát bệnh trên cây ăn trái; tổ chức các hội thảo đầu bờ về bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, vú sữa, cacao, rau màu tại một số huyện. Qua đó, nhiều nông dân đã thực hiện và nhân rộng mô hình có hiệu quả.
Góc thông tin tại 50 xã đã tăng cường phổ biến thường xuyên thông tin dự án, thông tin về thị trường (lao động việc làm, giá cả ngành dừa...), thông tin về thủ tục đầu tư, thông tin về kỹ thuật nông nghiệp (tờ bướm, bản tin về kỹ thuật canh tác)... Bên cạnh đó, DBRP còn phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Đồng Khởi cùng các báo Trung ương để truyền thông và phổ biến kiến thức liên quan đến dự án; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên tập và in ấn tài liệu về kỹ thuật sản xuất, canh tác, khai thác thông tin khuyến nông và thông tin về kỹ thuật sản xuất trên mạng để phổ biến lại cho nông dân các xã dự án.
DBRP Bến Tre đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đoàn thể tổ chức hội thảo đánh giá mô hình cho vay tín dụng nông thôn thông qua tổ tín dụng và tiết kiệm. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của 139 đại diện của các đoàn thể, tổ nhóm tín dụng và cán bộ quản lý; tổ chức 8 hội thảo giới thiệu chương trình vay vốn cho nhóm hợp tác, đoàn thể và doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Nhìn chung, các hoạt động ở hợp phần này đạt một số kết quả bước đầu như: thông tin được phổ biến rộng rãi đến các vùng nông thôn thông qua các phương tiện truyền thông và các góc thông tin tại các xã; liên kết lao động - việc làm với các doanh nghiệp địa phương; củng cố đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và nâng cao kiến thức cho nông dân tiên tiến để tham gia vào công tác khuyến nông tại xã; hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp giúp giảm nghèo cho nông dân vùng dự án. Tuy nhiên, việc phát triển liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân theo chuỗi giá trị chưa mạnh, thông tin về thị trường chưa phong phú và chưa đến trực tiếp với người dân ở thôn ấp; nguồn vốn tín dụng chưa đến được với người nghèo, các nhóm hợp tác đã phần nào hạn chế hiệu quả của hợp phần này.

Bài, ảnh: PY

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích