Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ bắt buộc

04/05/2011 - 08:15

Thẩm định là một khâu trong hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Đây là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự thảo văn bản QPPL nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo trong hệ thống pháp luật; cung cấp thông tin tổng quát về dự thảo văn bản để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định ban hành văn bản. Vì vậy, công tác thẩm định dự thảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động xây dựng và ban hành văn bản QPPL nói chung.

Ông Trương Văn Trí - Trưởng phòng Xây dựng văn bản QPPL, Sở Tư pháp cho biết, trước đây, công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL chưa có quy định cụ thể. Tuy vậy, từ năm 1996, Sở đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự thảo văn bản QPPL của UBND tỉnh trước khi ban hành. Khi Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND và UBND được ban hành (ngày 3-12-2004), thì thẩm định là khâu bắt buộc trong hoạt động ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND. Trách nhiệm thẩm định được giao cho ngành tư pháp. Theo Luật này, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định đối với các dự thảo nghị quyết là văn bản QPPL của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình; dự thảo quyết định, chỉ thị là văn bản QPPL của UBND tỉnh. Phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm thẩm định đối với dự thảo quyết định, chỉ thị là văn bản QPPL của UBND cùng cấp. Luật này không quy định việc thẩm định đối với dự thảo văn bản QPPL của HĐND tỉnh không do UBND tỉnh trình, dự thảo văn bản QPPL của HĐND cấp huyện, dự thảo văn bản QPPL của HĐND và UBND cấp xã.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, từ khi có Luật, tất cả các văn bản theo quy định của Luật đều được Sở thẩm định trước khi ban hành. Trung bình hàng năm, Sở Tư pháp thẩm định trên dưới 100 dự thảo văn bản. Chất lượng thẩm định được Sở đánh giá là ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh. Đối với cấp huyện, sau những lúng túng ban đầu, những năm gần đây, công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL của UBND các huyện, thành phố cũng đã phần nào đi vào nề nếp. Nhiều phòng tư pháp cấp huyện như thành phố Bến Tre, Châu Thành, Mỏ Cày Nam… được đánh giá là thực hiện tốt nhiệm vụ thẩm định văn bản.

Để thực hiện tốt công tác này đòi hỏi phải có sự đầu tư đúng mức về biên chế cũng như trình độ của cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại, Phòng Xây dựng văn bản QPPL thuộc Sở Tư pháp có 3 biên chế, nhưng theo Trưởng phòng Trương Văn Trí, cán bộ phòng chủ yếu chuyên ngành luật nên trong việc thẩm định văn bản cũng chỉ dừng lại ở chuyên môn, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng thẩm định văn bản. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số cơ quan, đơn vị xem công tác thẩm định là thủ tục mang tính hình thức trong quy trình ban hành văn bản QPPL nên thực hiện chưa đúng theo luật định. Việc nhận biết đâu là văn bản QPPL, đâu là văn bản hành chính thông thường vẫn còn nhầm lẫn ở một số cơ quan, đơn vị nên dẫn đến tình trạng có văn bản QPPL được ban hành nhưng chưa qua khâu thẩm định.

Để chất lượng ban hành văn bản QPPL ngày càng được nâng cao, việc nâng cao nhận thức và tinh thần phối hợp giữa cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm định có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, theo ông Trương Văn Trí, thẩm định là công đoạn nằm trong quy trình xây dựng văn bản QPPL và có mối quan hệ mật thiết với giai đoạn soạn thảo văn bản QPPL. Sự phối hợp này góp phần phát huy trí tuệ tập thể trong hoạt động soạn thảo, thẩm định văn bản QPPL cũng như giúp cho cơ quan thẩm định hiểu rõ ý đồ quản lý của cơ quan soạn thảo. Ở cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành nên giao cho cán bộ pháp chế thực hiện chế độ “tiền thẩm định” trước khi chuyển qua Sở Tư pháp thẩm định. Đồng thời, cơ quan, đơn vị gửi dự thảo yêu cầu thẩm định phải đảm bảo về hồ sơ và thời gian.

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN