![Tình làng nghĩa xóm thời nay Hàng xóm thăm hỏi nhau để vun đắp tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Thanh Đồng](https://baodongkhoi.vn/image/fckeditor/upload/2018/20181022/images/tinh-lang-nghia-xom.jpg)
Hàng xóm thăm hỏi nhau để vun đắp tình làng nghĩa xóm. Ảnh: Thanh Đồng
“Bán bà con xa, mua láng giềng gần”
Từ đĩa xôi làm quen lúc ấy, gia đình chị tôi bắt đầu hòa nhập và trở thành một hộ mới trong cái xóm lao động nơi thành phố. Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) có hai mươi mấy hộ thì hơn một nửa là công nhân viên chức, đóng cửa đi làm từ sáng đến chiều tối mới về. Còn lại là các hộ lao động, người lớn tuổi. “Lối sống nơi nhà phố dường như khiến mỗi nhà tách bạch, ít qua lại, gần gũi nhau, không như ở nông thôn. Tình làng nghĩa xóm lợt lạt, chắc buồn...”, chuyển từ quê lên phố, không ít người như chị tôi đã băn khoăn như thế.
Cô bạn Ngọc Hảo của tôi tâm sự: “Mình đi làm cả ngày, tối mới về đến nhà, về nhà thì ở trong nhà mình, chẳng có khi nào qua lại chuyện trò với lối xóm. Về xóm này cũng 3 - 4 năm mà không biết hết tên của các nhà trong xóm”. Bạn tôi cũng là một công chức trẻ, hai vợ chồng vừa mua nhà phố, ra riêng mấy năm nay. Xóm của Ngọc Hảo là khu dân cư mới, toàn gia đình trẻ hoặc người lớn tuổi xây cất để dưỡng già, ai cũng là người mới, không khỏi xa lạ nhau. Câu chuyện của bạn không phải là hiếm.
Tôi nhớ lời mẹ nói với chị lúc dọn về nhà mới: “Xóm giềng có thể không qua lại nhiều nhưng quan trọng là phải dĩ hòa vi quý, sống sao cho hài hòa, lễ độ, biết điều nha con”. Đó cũng là kinh nghiệm, là cách mà gia đình bao năm sinh sống, tạo nên mối cố kết xóm giềng. Lối sống hiện đại ngày nay dễ khiến người ta xa cách, mâu thuẫn với nhau. Nhà kia mới mừng đầy tháng đứa cháu nội thì mở dàn loa công suất lớn hát karaoke, đến chung vui với ba mẹ cháu nhưng bà con không khỏi ngán ngại tiếng nhạc xập xình ồn ào cả ngày. Nhà nọ hay có thói quen cứ tối tối lại mang rác để sang... góc nhà bên cạnh, mâu thuẫn tích tụ, một ngày hai bên cãi vả qua lại chỉ vì... cái túi rác.
“Thôi thì lâu lâu có một bữa, mình cũng thông cảm cho người ta, đến họp tổ lựa lời nhắc khéo. Sống cùng một xóm với nhau, quan trọng là đừng để xảy ra mâu thuẫn, bất hòa, nhường nhịn một tiếng để tình làng nghĩa xóm được hài hòa”, thấy tôi bức xúc cằn nhằn, cô Sáu Dân, tổ trưởng tổ NDTQ nơi tôi sống khuyên. “Nhà phố coi vậy mà dễ mích lòng hơn nhà quê. Tại xa cách, tại ít hiểu nhau, tại... mạnh ai nấy sống”, cô bạn Ngọc Hảo tặc lưỡi nói. Cô Sáu Dân cười: “Hàng xóm đi qua đi lại gặp nhau thì mình gật đầu chào nhau một chút, vậy cũng vui vẻ rồi, không nhất thiết phải quà cáp bày vẽ gì”.
Cố kết cộng đồng để tạo nên sức mạnh
Tình làng nghĩa xóm ngày nay không chỉ là tình cảm của những người cùng chung sống trong một địa bàn gần nhau, mà còn cần được phát huy và phát triển cao hơn thành sự đoàn kết, cố kết để tạo nên sức mạnh vì các công việc chung của địa phương.
Tổ NDTQ là đơn vị cơ bản nhất để tập hợp nhân dân tại mỗi địa phương. Sinh hoạt tổ NDTQ tại địa phương không chỉ để thông tin, tuyên truyền cho người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, hoạt động của địa phương mà còn là dịp để gắn kết hàng xóm láng giềng với nhau. Như ở Tổ NDTQ số 12, ấp Sơn Long, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, bà con sẽ thường dành thời gian nói chuyện với nhau để hiểu hoàn cảnh của nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm trồng chôm chôm, nắm bắt tình hình trong tổ, trong ấp.
Đối với các vấn đề chung, sinh hoạt tổ NDTQ sẽ là dịp để bà con cùng trao đổi, nêu ý kiến và quyết định. Nhờ đoàn kết một lòng mà bà con Tổ NDTQ số 13, ấp Hưng Nhơn, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách đã chung tay đóng góp vật chất và ngày công để bê-tông tuyến đường đi qua trên địa bàn tổ. Ông Phạm Công Danh, người dân ở Tổ 13, một tấm gương tiêu biểu tích cực trong xây dựng giao thông nông thôn ở xã Hòa Nghĩa kể lại: “Nhờ sự đồng lòng của bà con trong tổ mà chúng tôi mới hoàn thành được con đường này. Người có của thì góp của, người có sức thì góp sức. Khi làm đường, người ta xúm nhau ra phụ làm, đông lắm, người thì phụ xúc cát, đá, đổ bê-tông, người lo phụ trà, bánh giải khát”.
Tình làng nghĩa xóm ngày nay, dù nông thôn hay phố thị cũng đều sẽ chan hòa “tối lửa tắt đèn có nhau” nếu như mỗi người biết thu vén cái tôi cá nhân mà đề cao tinh thần vì cộng đồng, cùng chung tay xây dựng làng xóm yên vui, quê hương giàu đẹp.
Thanh Đồng