Xem trọng vệ sinh môi trường và bảo hiểm trong chăn nuôi

07/11/2010 - 15:53
Heo của hộ chăn nuôi ở Mỏ Cày Nam tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh.

Theo ông Lê Tấn Hữu - Chi cục Trưởng Chi cục Thú y, tình hình dịch bệnh tai xanh trên heo đang có chiều hướng lắng dịu. Tính đến ngày 1 - 11 - 2010, ổ dịch thuộc xã Thới Thạnh (Thạnh Phú) đã qua 21 ngày và xã Vang Quới Tây (Bình Đại) đã qua 22 ngày không phát sinh dịch. Tại huyện Mỏ Cày Nam: xã Cẩm Sơn qua 20 ngày và Thành Thới B qua 34 ngày không phát sinh ổ dịch mới; An Định, Ngãi Đăng 6 ngày không phát sinh dịch. Theo quy định, trong thời gian 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới, Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra, thẩm định và kết luận đủ điều kiện, tiến hành tham mưu UBND tỉnh quyết định công bố hết dịch trên địa bàn xã. Trước đó, UBND tỉnh quyết định công bố hết dịch cho các xã: Châu Hưng (Bình Đại), Tường Đa và An Hóa (Châu Thành), An Thạnh (Mỏ Cày Nam).

Minh Đức và Tân Trung là 2 xã xuất hiện ổ dịch bệnh tai xanh trên heo đầu tiên của tỉnh, nhưng đến thời điểm này dịch bệnh vẫn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, liên tiếp xuất hiện ổ dịch mới. Theo ông Hữu, nguyên nhân, do chăn nuôi mật độ cao, môi trường bị ô nhiễm, vệ sinh chuồng trại không đảm bảo. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của xã chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn, thiếu kiểm tra phát hiện ổ dịch, đợi khi hộ chăn nuôi đến khai báo heo chết có triệu chứng của bệnh tai xanh mới cử lực lượng đến tiêu hủy; đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán lây lan ra diện rộng. Ông Hữu cho biết, Chi cục đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện và đề xuất chỉ đạo 2 xã Tân Trung và Minh Đức thống kê lại tổng đàn heo của hộ chăn nuôi, theo dõi sát tình hình dịch bệnh để phát hiện bệnh sớm và dập dịch nhanh. Cả hệ thống chính trị của xã phải vào cuộc, hướng dẫn, hỗ trợ hộ chăn nuôi thường xuyên phun hóa chất vệ sinh tiêu độc chuồng trại, không để phát sinh ổ dịch mới. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi của tỉnh chỉ đạo các huyện, xã quyết liệt hơn trong phòng, chống và chấm dứt dịch bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 11-2010.

Ngày 18-10-2010, ổ dịch tai xanh trên heo đầu tiên phát hiện ở hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, xã Minh Đức. Đến ngày 1-11-2010,  dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nâng tổng số lên 34 ấp thuộc 12 xã có ổ dịch bệnh tai xanh trên heo. Tổng số hộ có heo tiêu hủy là 153 hộ, với 3.369 con heo, trọng lượng 142.846kg. Trong đợt dịch bệnh tai xanh trên heo lần này, tỉnh đã chi số tiền ước khoảng 4,7 tỷ đồng để hỗ trợ hộ chăn nuôi có heo bệnh phải tiêu hủy và lực lượng tham gia chốt chặn, tiêu hủy heo bệnh; cộng với 1 tỷ đồng tiền mua hóa chất phun vệ sinh tiêu độc. Theo ông Phan Văn Hợp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam, người bị thiệt hại nặng nề nhất vẫn là hộ chăn nuôi. Khi phát hiện bệnh tai xanh trên heo, thương lái thu mua liên tục giảm giá; có thời điểm một ký heo hơi giá xuống thấp hơn 20.000 đồng, hộ chăn nuôi chịu lỗ nặng. Heo xuất chuồng bán, hộ nuôi gom góp trả tiền thức ăn không đủ. Nhiều đại lý bán thức ăn cấp 1, cung cấp thức ăn cho đại lý cấp 2 đã chuyển sang phương thức thu tiền 100%. Đại lý bán thức ăn cấp 2 đã thỏa thuận bán thức ăn cho hộ chăn nuôi theo phương thức gối đầu, heo nuôi xuất chuồng mới thanh toán tiền thức ăn, giá bán chênh lệch cao hơn từ 7.000 - 8.000 đồng/bao thức ăn.

Những năm qua, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, do chưa quan tâm tiêm vắc-cin phòng ngừa các bệnh cơ hội, vệ sinh tiêu độc chuồng trại chưa thường xuyên, chưa đầu tư xử lý chất thải của vật nuôi tương xứng, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Phan Văn Hợp cho rằng, Mỏ Cày Nam là huyện có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh. Hộ chăn nuôi và ngành hữu quan phải mất khoản thời gian hơn 10 năm mới phát triển đàn heo được như ngày nay. Nuôi heo đã góp phần quan trọng để hộ chăn nuôi có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chủ trương chung của huyện là hướng hộ dân đến chăn nuôi trang trại, để có sự quan tâm đầu tư đúng mức, kéo giảm rủi ro xuống mức thấp nhất. Các hộ chăn nuôi được công nhận mô hình kinh tế trang trại nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên vật nuôi rất thấp. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải vừa không gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo chất đốt phục vụ trở lại cho chăn nuôi và sinh hoạt gia đình. Tuy nhiên, ông Hợp vẫn trăn trở: Chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho hộ chăn nuôi trang trại cần phải xem xét lại, để thật sự khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển theo loại hình kinh tế này. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phát triển loại hình bảo hiểm trong chăn nuôi để hướng đến chăn nuôi bền vững cho hộ dân.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích