Kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - 2018

Bài 2: Chuẩn bị lực lượng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

01/02/2018 - 09:49

BDK - Từ sau thắng lợi mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước triển vọng to lớn.

Đơn vị 516 hành quân vào Chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp lại)

Đơn vị 516 hành quân vào Chiến dịch Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp lại)

Từ sau thắng lợi mùa khô lần thứ hai (1966 - 1967), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước triển vọng to lớn. 

Tháng 6-1967, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, nhận định: “Địch đã thất bại một bước rất cơ bản trong cuộc “chiến tranh cục bộ”, hiện chúng đang lúng túng, bị động cả về chiến lược, chiến dịch. Khả năng tăng thêm quân của Mỹ không có nhiều. Còn về phía ta, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ là “cả thế và lực đã có nhiều tiến bộ”.

Nhận định tình hình

Theo tinh thần trên, tháng 12-1967, Bộ Chính trị đã họp, sau khi bám sát, phân tích chính xác động thái chiến trường, tình hình nước Mỹ và thế giới, đánh giá những mặt mạnh, mặt yếu của ta, Bộ Chính trị đi đến kết luận: “Điểm cơ bản của tình hình vẫn là ta đang ở thế chiến thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Tình hình ấy cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy và giành thắng lợi quyết định”(1). Từ đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “… động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(2). Bộ Chính trị cũng đã ra yêu cầu, mục tiêu cần đạt tới trong cuộc tổng tiến công, tổng khởi nghĩa. Hướng tiến công chiến lược chủ yếu là ở các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ - Ngụy trên toàn miền Nam và được diễn ra làm nhiều đợt.

Sau cuộc Đồng khởi năm 1960, quân dân Bến Tre đã phát huy và vận dụng nhuần nhuyễn phương châm đánh địch bằng 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận, đã đánh bại quốc sách “ấp chiến luợc”+, xương sống của “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Bị thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” thực hiện mục tiêu “tìm diệt” và “bình định” ở miền Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh ở miền Bắc.

Chuẩn bị lực lượng

Ở miền Nam, chúng tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở Bến Tre với gọng kềm: “bình định” là chủ yếu. Đến cuối năm 1967, đã được 3 năm, dù quân Mỹ có nhảy vào tham chiến nhưng ta vẫn giữ được thế chủ động tấn công địch liên tục. Chiến dịch tấn công địch đánh phá bình định ở Bình Đại và Ba Tri giành được thắng lợi to lớn. Hơn 44 xã giải phóng của ta về cơ bản được giữ vững. Thắng lợi của trận đánh bại cuộc hành quân “Sóng Thần 5” của quân Mỹ ở huyện Thạnh Phú và chiến công tiêu diệt Hạm đội nổi ở vàm Bến Tre và vàm Thủ Cửu trên sông Hàm Luông tháng 11 và 12-1967, đã góp phần chặn đứng sự hung hăng của quân Mỹ.

Vừa chiến đấu ta cũng đồng thời xây dựng và phát triển lực luợng chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã cận kề. Đến cuối năm 1967, tỉnh đã xây dựng được 5 tiểu đoàn bộ binh. Riêng lực lượng Công an tỉnh, kể cả cán bộ và chiến sĩ khoảng 200 đồng chí; 4 đại đội đặc công thủy, bộ; 1 trung đội săn tàu; 1 trung đội trinh sát trực thuộc Ban Quân sự tỉnh; 1 đại đội thông tin hữu tuyến, vô tuyến; 1 đại đội vũ trang nữ của đồng chí Thu Hà; 1 tiểu đoàn áo hỗn hợp gồm: Sơn pháo 70 (2 khẩu); 1 cối 120 ly; 4 khẩu cối 82; 5 khẩu ĐKZ 57; 1 đại đội súng phòng không; 7 khẩu 12 ly 8. Mỗi tiểu đoàn bộ binh có súng cối 60 ly và súng 12 ly 8.

Ban Quân sự tỉnh chỉ đạo bộ binh và binh chủng phải tổ chức phát triển gấp đôi số hiện có để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ mới. Tổ chức 7 khung tiểu đoàn dân quân có trang bị súng tiểu liên, súng trường. Xây dựng 5 khung trung đoàn quần chúng nòng cốt tham gia khởi nghĩa, mỗi khung đủ sức tiếp nhận từ 1 - 2 ngàn quần chúng. Về cán bộ, Tỉnh ủy quyết định điều động số đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Chi bộ về tỉnh tùy theo khả năng mà bố trí trong lực lượng vũ trang và các khung trung đoàn khởi nghĩa.

Về phía quân địch, trước khi ta bước vào Tổng tiến công, quân địch có khoảng 13418. tên. Trong đó có Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 (4 tiểu đoàn), 2 giang thuyền của hạm đội bố trí từ cầu Chẹt Sậy đến vàm Bến Tre, chưa tính hạm đội nhỏ, ho-bô bố trí trên sông Hàm Luông và sông Tiền. Một tiểu đoàn pháo binh số 72 gồm: pháo 55 ly, 105 ly, súng cối 60 ly, 1 đại đội xe bọc thép. Mỗi chi khu có 2 khẩu pháo 105 ly và 1 đại đội bảo an. Tại sân bay Tân Thành túc trực từ 1 - 2 máy bay trinh sát L19; trực thăng vũ trang đậu trên tàu ở sông Tiền có từ 3 - 5 chiếc. Lực lượng địch tại Thị xã có 3723. tên, trong đó có 2 tiểu đoàn 3 và 4 thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 7, 1 tiểu đoàn bảo an, số còn lại là dân vệ, cảnh sát bố trí xung quanh Thị xã.

Bài 3: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

(1) Một số văn kiện của Đảng về kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

(2) Nghị quyết Ban Chấp hành tháng 12-1967, được BCH Trung ương Đảng thông qua tháng 1-1968 thành Nghị quyết Trung ương.

Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN