BDK - Thành lập từ năm 2012 đến nay, Phòng Chẩn trị Đông y từ thiện tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, xã An Đức, huyện Ba Tri đã có gần 13 năm khám chữa bệnh (KCB) bằng các phương pháp Đông y, không thu tiền của bệnh nhân. Không áp lực về chi phí KCB, những bệnh nhân đến với Phòng Chẩn trị Đông y từ thiện cảm thấy nhanh bình phục hơn.
Y sĩ Võ Thị Khỏe chăm sóc bệnh nhân tại Phòng Chẩn trị Đông y từ thiện xã An Đức.
Điểm tựa của bệnh nhân
Buổi sáng, bà Lê Thị Trúc, 72 tuổi, ngụ xã An Đức ngồi trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu mát mẻ, chờ chồng đến đón về vì vừa trị liệu xong. Bà Trúc bị tê cánh tay, do di chứng tai biến nhẹ trước đó. Bà được các y sĩ xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. Nhờ vậy, bà thấy trong người mau khỏe. Bà Lê Thị Trúc nói: “Tuổi trẻ của tôi là làm ruộng, chăn nuôi, làm nặng nhiều nên giờ già sức khỏe đi xuống thấy rõ. Nhờ có phòng khám từ thiện này, đỡ cho bà con lắm. Ở đây KCB từ thiện từ thứ Hai đến thứ Sáu, rất thuận tiện cho bà con trong xã đến chữa bệnh”.
Là lao động chính trong gia đình, ông Huỳnh Phước Lộc, ngụ xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri đang nằm để các y sĩ châm cứu. Ông Lộc thân hình gầy, trên người còn mặc nguyên bộ đồ thợ điện, tâm sự: “Do một lần khi còn trẻ trong lúc lao động, tôi lỡ khiêng nặng, nghe cột sống kêu cái cụp. Thế là, tôi bị cụp lưng, đau nhức cả 20 năm nay. Cứ trời lạnh và đêm xuống thì cơn đau nhức lại dữ dội hơn, không ngủ được. Tôi là lao động chính, tiền kiếm được để dành lo vợ con. Nên tôi không đi khám hay thuốc thang gì, đành chịu trận. Giờ lớn tuổi, tôi không thể chịu nổi những cơn đau nhức. Nghe người ta chỉ, tôi đến Phòng khám từ thiện tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu. Điều trị mấy ngày nay, tôi thấy đỡ đau hẳn. Tôi mừng lắm và thành thật cảm ơn những y sĩ làm ở đây. Vì họ nhiệt tình và có tấm lòng tốt với người bệnh”.
Phòng Chẩn trị Đông y từ thiện hiện có 2 y sĩ túc trực hoạt động. Cả hai đều tốt nghiệp Trung cấp ngành Đông y. Y sĩ Lê Thị Xuân Lộng, 38 tuổi, điều hành hoạt động tại phòng chẩn trị này. Chị còn là Phó chủ tịch Hội Đông y (HĐY) huyện Ba Tri. Chị Lộng nhà ở xã Tân Hưng, huyện Ba Tri, cách phòng khám 12km. Còn y sĩ Võ Thị Khỏe, 34 tuổi, nhà ở xã Mỹ Chánh, cách phòng khám 15km. Cả hai y sĩ dù ở xa phòng khám, nhưng vẫn có mặt đều đặn, đúng giờ.
Y sĩ Lê Thị Xuân Lộng cho biết: “Mỗi ngày phòng khám có khoảng 19 - 20 bệnh nhân đến KCB. Chúng tôi mở cửa từ 7 giờ sáng, làm đến hết bệnh nhân mới đóng cửa. Khám từ thiện nên chúng tôi không thu tiền từ bệnh nhân. Mỗi người chỉ tự mua bộ kim châm cứu cho riêng mình sử dụng. Hàng tháng, chúng tôi nhận lương từ Nhà nước. Hiện tôi được nhận lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Khi phòng khám có máy móc bị hư, thì có thùng tiền từ thiện ở góc phòng, chúng tôi sử dụng số tiền đó và phần của nhà hảo tâm đóng góp để mua máy móc mới, tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Phòng khám hiện có 6 giường, bệnh nhân đến đông thì chúng tôi trải chiếu dưới đất cho người bệnh nằm. Phòng bốc thuốc của chúng tôi đã ngưng khoảng 2 năm nay, do không có kho chứa thuốc, còn kho cũ thì dột và ẩm mốc”.
Tiếp tục phát triển Đông y
Hiện HĐY huyện Ba Tri có 418 hội viên. Đến nay, có 37 cơ sở KCB bằng các phương pháp Đông y. Trong đó, tổng số phòng khám đông y (phòng chẩn trị) 13 cơ sở (từ thiện 8 cơ sở). Tổng số tổ thuốc nam, châm cứu phối hợp với Trạm Y tế xã là 11 cơ sở ( từ thiện 5 cơ sở). Tổng số đại lý Đông dược là 9 và 4 tổ sơ cấp cứu rắn cắn.
Năm 2024, HĐY huyện Ba Tri ghi nhận hoạt động KCB từ thiện với tổng số bệnh nhân KCB 105 ngàn lượt người, số thang thuốc được bốc 183 ngàn thang, cùng hàng chục ngàn bệnh nhân đến châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, máy hiệu ứng trường, giác hơi, xông hơi… Quy thành tiền KCB miễn phí lên đến 3,5 tỷ đồng.
Hội thường xuyên tập huấn về công tác thu hái, sơ chế, bảo quản dược liệu cho các hội viên cơ sở. Cán bộ, hội viên còn tự mua sách Đông y, Tạp chí Đông y để nghiên cứu nâng cao kiến thức chuyên môn. Đến nay, các hội viên đã thừa kế được 107 bài thuốc kinh nghiệm của các cụ lương y cống hiến. Trong đó, có 45 bài trị rắn độc cắn, 62 bài thuốc trị bệnh như: hoàng đảng, di chứng sau trúng phong, giời leo, phong ngứa, thần kinh tọa, ho, yêu thống...
Ngoài công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, một số HĐY xã còn giúp đỡ cho những người nghèo, bệnh tật, neo đơn mỗi tháng 10kg gạo và tiền mặt 50 ngàn đồng/hộ (40 hộ). Các HĐY xã vận động nhà hảo tâm ủng hộ nước ngọt cho người dân, 2 ghế tập vật lý trị liệu, thuốc, nấu cháo sáng cho bệnh nhân đơn thân không người chăm sóc...
Chủ tịch HĐY huyện Ba Tri Nguyễn Trọng Thái cho biết: “Được sự quan tâm của lãnh đạo Huyện ủy Ba Tri, UBND huyện, Ban Dân Vận, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm y tế huyện, sự hỗ trợ tích cực của Đảng ủy, UBND và Trạm y tế các xã, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho HĐY huyện Ba Tri hoạt động tích cực theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trong tình hình mới” và Chương trình hành động số 49-CTr/HU của Huyện ủy Ba Tri về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW. Thời gian qua, các cấp hội có sự chuyển biến tích cực trong công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể, nắm được vai trò, nhiệm vụ của HĐY trong tình hình mới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động đạt kết quả tốt”.
Hội Đông y huyện Ba Tri nhận định một số hạn chế hiện nay như: Hội Đông y các xã, thị trấn cơ sở đặt tại nhà, tại chùa. Kinh phí hoạt động tự lực 100%. Do vậy, hoạt động hiệu quả chưa cao. Công tác KCB bằng đông y còn lại 4 xã: Tân Xuân, Mỹ Thạnh, Phú Lễ, Bảo Thuận chưa thành lập được tổ thuốc thang, châm cứu. Vì các xã này không có thầy thuốc đông y để phục vụ công tác KCB bằng đông y cho nhân dân.