Quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14-2-2025

Ðảm bảo quy định và chất lượng giáo dục

14/02/2025 - 05:30

BDK - Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30-12-2024 ngày của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo lợi ích của học sinh, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Để triển khai hiệu quả quy định mới về dạy thêm, học thêm, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp để đảm bảo quy định và chất lượng giáo dục nhà trường.

Ngành giáo dục kỳ vọng Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT sẽ thay đổi tích cực trong dạy và học.

Hỗ trợ học sinh trong giờ chính khóa

Sở GD&ĐT đã phổ biến Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đến phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố được biết, nghiên cứu, triển khai thực hiện. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Bé Hai cho biết: Hiện nay, Sở GD&ĐT đang lấy ý kiến các đơn vị về quy định dạy thêm, học thêm của tỉnh. Vì đây là văn bản pháp quy có hiệu lực lâu dài. Dự kiến tháng 3-2025, sẽ hoàn thiện việc soạn thảo các quy định trình thành viên UBND tỉnh cho ý kiến. Căn cứ ý kiến của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện các quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở phổ biến của Sở GD&ĐT, hiện nay, các đơn vị trường học đã triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Để triển khai hiệu quả quy định mới này, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (huyện Bình Đại) đã thông báo đến toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh về quy định mới qua các kênh như: Website trường, bản tin trường. Đồng thời, giải thích rõ mục đích của quy định, nhằm đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục, tránh hiểu lầm hoặc phản ứng tiêu cực.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát Hà Thị Kim Thoa cho biết: Ban đầu khi báo chí có thông tin về dự thảo thông tư về quy định mới trong dạy thêm, học thêm, dư luận từ phụ huynh học sinh và giáo viên có nhiều lo lắng. Phần lớn phụ huynh lo con em mình không được học nhiều sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập, nhất là phụ huynh học sinh khối 12. Tuy nhiên, nhà trường đã giải thích rõ, những quy định mới về dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nhà trường.

Trước những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh học sinh, ngay cuối học kỳ 1 năm học 2024-2025, Trường THPT Huỳnh Tấn Phát đã xây dựng kế hoạch và triển khai dạy phụ đạo miễn phí trái buổi cho học sinh khối 12 có học lực yếu, kém, trung bình theo môn đăng ký thi tốt nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi theo đúng quy định. Theo lãnh đạo Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, nhà trường sẽ quản lý chặt chẽ việc dạy thêm trong nhà trường. Cụ thể kiểm tra, giám sát số lượng lớp dạy thêm, thời gian, nội dung giảng dạy để đảm bảo đúng giới hạn của quy định. Chỉ đạo giáo viên không được ép buộc hoặc gợi ý học sinh tham gia học thêm. Đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh dễ hiểu, tránh tình trạng phải học thêm để theo kịp chương trình.

Với lợi thế trong việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, Trường THCS Mỹ Hóa (TP. Bến Tre) không có thay đổi nhiều khi có quy định mới về dạy thêm, học thêm. Nhà trường đã và đang thực hiện phụ đạo học sinh trong tiết học trái buổi hoặc ngay trong giờ hành chính. Việc thực hiện này vẫn đảm bảo số tiết dạy của giáo viên và đảm bảo theo quy định mới về dạy thêm, học thêm tại nhà trường - không thu phí.

Giáo viên sớm thích ứng

Trao đổi về tư tưởng, tâm thế giáo viên triển khai Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Tấn Phát Hà Thị Kim Thoa cho biết: “Giáo viên ai cũng muốn học sinh của mình giỏi. Do đó, việc phụ đạo hay bồi dưỡng học sinh giỏi là trách nhiệm của giáo viên. Với nhận thức đó, giáo viên nhà trường luôn sẵn sàng trong công tác phụ đạo học sinh yếu kém theo quy định mới. Nếu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tin chắc học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên sẽ có chuyển hướng tích cực. Đặc biệt, các em học sinh chủ động học tập, sử dụng các tài nguyên miễn phí để bổ trợ kiến thức thay vì học thêm tràn lan”.

Tại Trường THCS Phạm Viết Chánh (huyện Giồng Trôm), nhà trường khuyến khích giáo viên tổ chức ôn tập tự nguyện trong trường theo hình thức không thu phí hoặc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ từ nhà trường. Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Viết Chánh Huỳnh Thị Hà cho biết: Qua nghiên cứu Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, kinh phí tổ chức dạy thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định. Nhà trường sẽ cân đối và sử dụng tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của đơn vị để trích hỗ trợ các giáo viên thực hiện dạy phụ đạo. Mức hỗ trợ có thể thấp hơn mức 250 ngàn đồng/tiết (mức có thu phí trước đó) nhưng góp phần tạo động lực cho giáo viên trong thực hiện phụ đạo ngoài giờ lên lớp.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tạo điều kiện cho giáo viên có thể tham gia giảng dạy tại các trung tâm ngoài nhà trường nếu có nhu cầu. Yêu cầu giáo viên báo cáo nếu tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Để kiểm soát tốt dạy thêm ngoài nhà trường, lãnh đạo nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các trung tâm, lớp học thêm không đăng ký hoạt động đúng theo quy định.

“Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, quy định mới về dạy thêm, học thêm, sẽ có hiệu lực từ ngày 14-2-2025. Quy định này nhằm siết chặt việc dạy thêm trong và ngoài nhà trường, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giáo dục. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh học thêm. Các trường học, giáo viên và trung tâm dạy thêm sẽ phải tuân thủ các điều khoản mới để tránh vi phạm”.

(Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Văn Bé Hai)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN