BDK.VN - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre xuất hiện nhiều xe tải chở gạo, rao bán giá rẻ dọc các tuyến đường từ 600 - 750 ngàn đồng/bao (50kg), tức khoảng 11.800 - 15.000 đồng/kg tùy loại, thấp hơn thị trường 200 - 400 ngàn đồng một bao, nhằm đối phó tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua nhỏ giọt, giá thấp.
Điểm bán gạo giá rẻ ven đường tại chợ Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Ảnh: Minh Bằng, VN express.
Qua tìm hiểu được biết số gạo này phần lớn là gạo tồn kho, khó xuất khẩu, được người bán xay từ lúa mua của nông dân trước Tết, chờ doanh nghiệp xuất khẩu đến mua. Tuy nhiên, giá gạo giảm mạnh, doanh nghiệp thu mua nhỏ giọt, nên các hộ kinh doanh này chở xe tải bán dạo với hy vọng sớm thu hồi vốn.
Thường mỗi nơi bán khoảng một tuần đến khi sức mua giảm dần thì chuyển sang nơi khác. Bên cạnh đó, một số trường hợp nhân cơ hội này để bày bán các loại gạo giả, gạo kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ gây nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Việc người dân đang gặp khó khăn, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng hết sức thông cảm và sẵn sàng hỗ trợ bà con vượt qua. Điển hình, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hàng chục hộ dân ở các xã Tân Thủy, An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn vì rau ế ẩm. Một số hộ dân buộc phải đổ bỏ hàng tấn rau ngoài đồng vì bán không ai mua.
Nhận được thông tin, Hội Nông dân cùng các ban, ngành, đoàn thể địa phương đang kêu gọi tiêu thụ giúp số rau của bà con. Qua đó, giúp bà con giải quyết phần nào khó khăn về đầu ra ở thời điểm hiện tại. Về lâu dài, địa phương đang tìm cách liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, có một sự việc đáng tiếc xảy ra, cụ thể, vào ngày 17-2-2025, Công an thị trấn Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra đột xuất một xe tải bán gạo bên lề đường thuộc Tỉnh lộ 882, do Bùi Văn Hoàng Phong, sinh năm 1994, ngụ xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách tổ chức.
Quá trình kiểm tra, ông Phong không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Lực lượng chức năng nhiều lần vận động, yêu cầu đương sự về trụ sở cơ quan để làm việc.
Tuy nhiên, ông Phong không những không chấp hành, có lời lẽ xúc phạm, liên hệ người nhà đến thu gom gạo, khóa cửa thùng xe. Không dừng lại ở đó, ông Phong còn tấn công làm bị thương lực lượng thi hành công vụ; các đương sự còn dùng điện thoại quay video phát tán lên mạng xã hội với lời lẽ bịa đặt, vu khống lực lượng làm nhiệm vụ.
Ngay lập tức, Công an thị trấn đã phối hợp với các lực lượng liên quan khống chế các đương sự này và đưa về trụ sở Công an thị trấn để xử lý. Qua làm việc, các đương sự thừa nhận có hành vi chống người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng. Hiện Công an huyện Mỏ Cày Bắc đang phối hợp với Công an thị trấn Phước Mỹ Trung củng cố hồ sơ, xử lý các đương sự có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Qua vụ việc trên người dân cần phải biết, đối với mặt hàng nông sản của người sản xuất trực tiếp bán ra mà không có hóa đơn thì doanh nghiệp phải lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo Mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC và phải kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng (hợp đồng mua bán hàng hóa; chứng từ thanh toán; biên bản bàn giao hàng hóa). Nếu doanh nghiệp không lập bảng kê thu mua hàng hóa theo mẫu hoặc không kèm theo chứng từ chứng minh cho việc mua hàng thì khoản chi đó sẽ không được tính là chi phí hợp lý khi kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chi phí hợp lý để được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp phải là các chi phí đáp ứng đúng và đủ các điều kiện thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp...
Theo quy định tại khoản 5 - Điều 44 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn bị xử phạt:
Dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200 ngàn đồng trở lên không có hóa đơn bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải lập lại hóa đơn giao cho người mua. (Quy định tại khoản 4 - Điều 38 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP).
Trường hợp không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng bị xử phạt từ 4 - 8 triệu đồng.
Việc thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, người dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật khi thực hiện buôn bán để tránh vụ việc như trên xảy ra.