BDK - Ngày 19-2-2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Việc thực hiện một số cơ chế, chính sách mới thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số và tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm dừa tại doanh nghiệp khoa học công nghệ - Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học
Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ được ưu tiên cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ khoa học và công nghệ. Nghị quyết nhấn mạnh việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Nếu tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học đúng quy trình mà không đạt kết quả, sẽ không phải hoàn trả kinh phí sử dụng. Cùng với đó, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng giúp các tổ chức chủ trì nhiệm vụ được toàn quyền quyết định việc sử dụng kinh phí một cách linh hoạt và hiệu quả.
Đáng chú ý, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được giao cho tổ chức chủ trì quản lý mà không cần thủ tục phức tạp. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước có quyền thu hồi để phục vụ cộng đồng, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, dinh dưỡng và ứng phó khẩn cấp.
Theo nghị quyết, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cùng với các cơ sở giáo dục đại học công lập, được phép thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Viên chức công tác tại các tổ chức này, khi được sự đồng ý của lãnh đạo, có thể tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp. Đặc biệt, trường hợp người đứng đầu muốn tham gia phải có sự phê duyệt của cấp trên trực tiếp.
Nghị quyết này là bước đi quan trọng nhằm khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng đến mục tiêu CĐS quốc gia hiệu quả và bền vững.
Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số
Nghị quyết cũng nêu rõ, ngân sách trung ương được sử dụng để đầu tư, mua sắm, thuê, duy trì, vận hành, bảo trì các nền tảng số, hệ thống thông tin quy mô quốc gia, quy mô vùng để các cơ quan, tổ chức của trung ương, địa phương sử dụng, khai thác chung nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Đáng chú ý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu cho các dự án CĐS trong giai đoạn 2025 - 2026. Các dự án ưu tiên gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu dùng chung của các Bộ, ngành, địa phương; phát triển các nền tảng số, cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; triển khai trung tâm giám sát, điều hành thông minh và đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh điện tử.
Các doanh nghiệp viễn thông sẽ được hỗ trợ tài chính để triển khai hạ tầng mạng 5G với tối thiểu 20.000 trạm phát sóng từ nay đến cuối năm 2025. Mức hỗ trợ cho mỗi trạm là 15% chi phí thiết bị, không vượt quá tổng số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong năm 2024.
Nhằm tăng cường kết nối quốc tế, nghị quyết này cho phép các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia đầu tư hoặc góp vốn xây dựng tuyến cáp quang biển quốc tế, với quy trình đầu tư linh hoạt.
Một điểm nhấn quan trọng của nghị quyết là việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn đầu tiên. Theo Điều 14, doanh nghiệp được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư (tối đa 10.000 tỷ đồng) nếu hoàn thành trước ngày 31-12-2030. Được phép trích lập tối đa 20% thu nhập tính thuế hàng năm cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Hưởng ưu đãi về quyền sử dụng đất mà không phải đấu giá hay đấu thầu.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay từ ngày được Quốc hội thông qua. Những nhiệm vụ khoa học và công nghệ được phê duyệt từ năm 2018 nhưng chưa xử lý tài sản sẽ áp dụng quy định mới. Các dự án CĐS chưa lựa chọn nhà thầu trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu.