Nhu cầu tiêm vắc-xin cúm mùa của người dân tăng cao

19/02/2025 - 05:25

BDK - Chủ động tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm an toàn, hiệu quả. Hiện nay, trước thông tin diễn biến phức tạp của bệnh cúm, nhu cầu tiêm vắc-xin phòng bệnh của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao.

Nhiều người dân chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm mùa.

Người dân chủ động đi tiêm chủng

Những ngày qua, nhu cầu tiêm vắc-xin cúm của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao. Ghi nhận tại các phòng tiêm chủng dịch vụ, người dân đến tiêm vắc-xin cúm tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí một số cơ sở tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Từ trước Tết Nguyên đán 2025 đến nay, tại Phòng Tiêm chủng vắc-xin Bệnh viện Đa khoa Minh Đức (TP. Bến Tre), trung bình mỗi ngày có trên 100 người đến đăng ký tiêm chủng dịch vụ vắc-xin cúm mùa.

Đến tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Minh Đức, bà Đoàn Thị Liễu (xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm) cho biết: “Hàng năm, tôi và ông nhà đều tiêm ngừa bệnh cúm vì lớn tuổi sợ nguy cơ nhiễm bệnh cao. Con cái đi làm ăn xa nên vợ chồng tôi chủ động phòng bệnh để con an tâm làm việc. Định từ từ mới đi tiêm vì còn gần 1 tháng nữa mới tới lịch tiêm định kỳ hàng năm, nhưng nghe nhiều người nói vắc-xin đang khan hiếm nên tôi đặt vắc-xin tranh thủ đi tiêm chủng để yên tâm hơn”.

Anh Nguyễn Bảo Toàn, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre, tham gia tiêm chủng dịch vụ tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC (Chi nhánh TP. Bến Tre trên đường Nguyễn Thị Định) chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đi tiêm vắc-xin phòng cúm. Năm nay, tôi thấy nhiều thông tin về nguy cơ biến chứng khi mắc cúm nên việc tiêm vắc-xin càng cần thiết hơn. Ba mẹ tôi đã hơn 70 tuổi, mắc nhiều bệnh nền. Vì thế, tôi vận động ba mẹ đi tiêm để an toàn hơn nếu có nhiễm bệnh”.

Bên cạnh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo của ngành y tế, các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Em Phạm Lê Lâm Tuyền - học sinh Trường THCS TP. Bến Tre chia sẻ: “Ở trường, em được các thầy cô giáo tuyên truyền về cách phòng bệnh cúm mùa, bệnh sởi và lợi ích của tiêm vắc-xin phòng bệnh. Em đã nói với ba mẹ và được mẹ đưa đi tiêm tại phòng tiêm dịch vụ”.

Hiện nay, có 4 loại vắc-xin phòng cúm được cấp phép là vắc-xin Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và vắc-xin cúm Vaxigrip Tetra (Pháp). Theo khuyến cáo của ngành y tế, thời điểm này thời tiết thuận lợi để vi-rút gây bệnh phát sinh, nguy cơ gia tăng số ca mắc cúm mùa, sởi, sốt phát ban... rất cao.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đã hết vắc-xin cúm từ ngày 15-2-2025. Từ đầu năm 2025 đến nay, trung tâm đã sử dụng 1.050 liều vắc-xin phòng cúm tiêm cho người dân. Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Hữu Định cho biết: Hiện nay, không chỉ ở CDC tỉnh khan hiếm vắc-xin cúm mùa mà là tình trạng chung của toàn quốc do các đơn vị cung ứng hết nguồn. Hiện CDC tỉnh đang thực hiện thủ tục mua thêm vắc-xin cúm mùa để phục vụ cho người dân có nhu cầu.

Biện pháp then chốt để phòng bệnh

Thông tin từ kết quả giám sát cúm của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của vi-rút cúm) và một số nước ở khu vực châu Á (chủ yếu là cúm A (H1N1). Bên cạnh đó, cúm mùa cũng là một trong những bệnh lưu hành tại Việt Nam. Trong năm 2024, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 289.876 ca cúm mùa, có 8 ca tử vong. Số ca nhiễm giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp. Trong năm 2024, qua hệ thống thống kê báo cáo ghi nhận 1.004 trường hợp, hầu hết là mắc cúm mùa, chỉ có 2 trường hợp mắc cúm A (H1N1). Tại tỉnh, trong tháng 1-2025, toàn tỉnh ghi nhận 83 ca cúm, hầu hết là cúm mùa, giảm 25 ca so với cùng kỳ năm 2024 (108 ca).

Giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Hữu Định cho biết: Tiêm vắc-xin là biện pháp then chốt để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm. Vắc-xin không chỉ góp phần ngăn ngừa lây nhiễm mà còn giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế, CDC tỉnh cùng các trung tâm y tế đã và đang đẩy mạnh thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh sởi; khuyến cáo người dân chủ động tiêm ngừa dịch vụ các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm như: cúm, sốt xuất huyết, thủy đậu... Đồng thời, tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ em. Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh sẽ chủ động tổ chức tiêm chiến dịch theo nhóm tuổi, địa bàn để đáp ứng dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, phát hiện các trường hợp nghi mắc sởi, cúm và bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh lây nhiễm như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh. Người dân nghi mắc bệnh cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và điều trị kịp thời.

“Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong”.

(Bác sĩ CK1. Trần Hưng Nam - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN