BDK - Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 11-12-2020 của Huyện ủy về thực hiện chuyển đổi số (CĐS) huyện Giồng Trôm giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện đạt nhiều kết quả và bước chuyển biến tích cực trong CĐS trên các lĩnh vực, nhất là trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn tiểu thương chợ Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh) cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Những kết quả nổi bật
100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp huyện, cấp xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh và tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia (cấp huyện 196 thủ tục, cấp xã 74 thủ tục). Tỷ lệ văn bản điện tử liên thông qua hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đạt trên 98,5% (trừ các văn bản mật).
Giải quyết các thủ tục thiết yếu qua cổng dịch vụ công trực tuyến như: lĩnh vực giao thông, công an huyện tiếp nhận 14.212 hồ sơ đăng ký xe; lĩnh vực cư trú. Rà soát làm sạch dữ liệu thuế 33.380/33.380 trường hợp; cấp hơn 40 ngàn căn cước công dân và căn cước gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện và xác thực hơn 80 ngàn hồ sơ đăng ký định danh điện tử mức độ 2...
100% xã, thị trấn có bưu cục, bưu điện văn hóa và có thư báo đến trong ngày. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 75%. 100% các cơ quan ngành huyện, các xã, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối Internet băng thông rộng. Tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 100% ấp, khu phố, phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin và liên lạc của nhân dân. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đạt trên 90%, các DN viễn thông bảo đảm phủ sóng 4G 100% tại mọi điểm.
Cổng thành phần thông tin điện tử huyện duy trì hoạt động bảo đảm thông tin kịp thời về các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện. Triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện các phần mềm CĐS. Duy trì hoạt động 21 trang thông tin điện tử cấp xã, 151 cụm truyền thanh thông minh, 3 bảng led ngoài đường, 8 bảng led trước cổng Huyện ủy, UBND huyện, các xã; toàn huyện có 838 camera an ninh; 166 điểm wifi miễn phí tại nơi công cộng, các cơ quan, đơn vị, trường học.
Ngoài ra, huyện cũng thực hiện CĐS trên các lĩnh vực ưu tiên như: y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, phát triển nông thôn. Thực hiện CĐS đối với xã Mỹ Thạnh, xã thí điểm của tỉnh và xã Bình Thành, xã thí điểm của huyện. Thành lập Tổ CĐS cộng đồng cấp huyện với 14 thành viên; 21/21 xã, thị trấn đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, có 137/137 ấp, khu phố thành lập Tổ CĐS cộng đồng. Năm 2024, kiện toàn và đổi tên Tổ CĐS cộng đồng thành Tổ công nghệ số cộng đồng cấp huyện, xã, ấp/khu phố. Tổng số thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, ấp, khu phố là 1.674 người.
Nhiệm vụ trong thời gian tới
Theo Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Thái Bình - Trưởng ban Chỉ đạo CĐS huyện, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về thực hiện CĐS huyện Giồng Trôm giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; các nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện về triển khai nhiệm vụ CĐS. Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia.
Đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội. Tích cực, chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh huyện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thường xuyên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân và trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong thực hiện CĐS; vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động và giám sát kế hoạch CĐS tại địa phương. Triển khai thí điểm những ứng dụng dịch vụ, nền tảng, giải pháp công nghệ mới, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới phục vụ CĐS tại địa phương… Thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa cải cách TTHC với phát triển chính quyền số; rà soát các TTHC, quy trình điện tử trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số…