 |
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại doanh nghiệp. |
Đề cao công tác PCCC
Theo số liệu của cơ quan chức năng, tính từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xảy ra 39 vụ cháy, thiệt hại tài sản gần 7 tỷ đồng. Trong đó, có 5 vụ cháy xảy ra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy tỷ lệ cháy tại các khu vực này không cao (gần 13%), nhưng mỗi khi xảy ra sự cố hỏa hoạn thì tài sản của doanh nghiệp bị thiệt hại sẽ rất lớn, thậm chí đe dọa cả tính mạng của con người.
Nhận thức được công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là
nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất, nên một số doanh nghiệp
đã quan tâm, đầu tư đúng mức công tác PCCC; luôn xem nhiệm vụ đề phòng giặc lửa
là quan trọng gắn với mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.
Tại Nhà máy giấy Giao Long ở Khu Công nghiệp Giao Long,
huyện Châu Thành, từ nguyên liệu cho đến sản phẩm đều là các vật liệu rất dễ
bắt lửa. Thế nên, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, công tác PCCC luôn được Ban
Giám đốc nhà máy quan tâm thực hiện rất nghiêm túc. Tại nhà máy, hệ thống điện
được kiểm tra định kỳ, hàng hóa tại khu nhà kho được sắp xếp có trật tự cách xa
nguồn điện, nguồn nhiệt. Các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy,
vòi phun nước được bố trí khắp các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao; nhằm kịp
thời xử lý tình huống cháy xảy ra, nhà máy đã lắp đặt 2 máy bơm nước chữa cháy,
đảm bảo hoạt động tốt kể cả khi bị cúp điện.
Tại Nhà máy giấy Giao Long, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các
biển cấm lửa, cấm hút thuốc lá được lắp đặt tại nhiều nơi, nhằm tuyên truyền
nhắc nhở người lao động nâng cao ý thức trong phòng chống cháy nổ. Số lượng
công nhân nam chiếm trên 60% và tất cả đều không hút thuốc lá. Quy định cấm hút
thuốc lá tại nhà máy luôn được mọi người thực hiện rất nghiêm túc. Nếu ai hút
thuốc lá bị phát hiện thì sẽ bị cho thôi việc ngay. Ông Nguyễn Trường Khanh
- Phó Giám đốc Nhà máy giấy Giao Long
cho biết: “Đảm bảo an toàn về PCCC là một nhiệm vụ rất quan trọng, luôn được
Ban Giám đốc nhà máy thực hiện nghiêm túc. Theo đó, nhà máy đã thành lập 3 đội
chữa cháy cơ sở, bố trí tại 3 ca sản xuất, thường xuyên được tập huấn về công
tác phòng, chống cháy nổ. Đặc biệt, khi tuyển dụng lao động, nhà máy tuyệt đối
không tuyển công nhân biết hút thuốc lá”.
Một trong những mặt hàng sản xuất có tỷ lệ cháy cao trong
thời gian qua là sản xuất chỉ xơ dừa. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh xảy ra từ 2
- 3 vụ cháy các cơ sở sản xuất mặt hàng này, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.
Nhận thức được điều này, nhiều cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa đã quan tâm đúng mức
trong công tác PCCC. Dây điện đã được cho vào ống nhựa cách điện an toàn;
phương tiện chữa cháy tại chỗ cũng được trang bị khá đầy đủ. Nhiều nơi, tuy số
lượng công nhân ít nhưng doanh nghiệp cũng đã thành lập được đội chữa cháy cơ
sở, được tập huấn về công tác PCCC.
Nhưng còn nguy cơ rình
rập
Bên cạnh các doanh nghiệp làm tốt công tác PCCC thì vẫn còn
một số cơ sở sản xuất xem nhẹ công tác phòng, chống giặc lửa. Tại một số xí
nghiệp may gia công quần áo xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, mặc dù nguyên liệu sản
xuất chủ yếu là các loại vải, sợi (loại vật liệu rất dễ bắt lửa), thế nhưng chủ
doanh nghiệp vẫn rất lơ là đối với công tác đề phòng hỏa hoạn. Tuy số lượng
công nhân nam chiếm gần 30%, thế nhưng tại khu sản xuất của một vài xí nghiệp
lại không có bất kỳ một biển cấm lửa, cấm hút thuốc nào. Cùng với đó, hệ thống
điện trong khu sản xuất đã quá cũ, lại được câu mắc tùy tiện, tủ điện đặt gần
nguyên liệu sản xuất; chỉ cần một sự cố chập điện phát sinh tia lửa thì hiểm
họa cháy có thể bùng phát bất cứ lúc nào, trong khi đó toàn bộ nhà xưởng chỉ có
một vài bình chữa cháy thì liệu có thể làm được gì khi có cháy xảy ra.
Cùng với đó, thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa
trên địa bàn vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đề phòng giặc lửa. Thậm
chí tại một số cơ sở, sân phơi chỉ xơ dừa rộng đến 3.000m2 nhưng lại không có
bất kỳ bảng cảnh báo nào để nhắc nhở mọi người đề phòng hỏa hoạn, lại không hề
có phương tiện chữa cháy tại chỗ. Nếu như chẳng may ai đó vô tình vứt mẩu tàn thuốc
thì ngọn lửa sẽ có cơ hội bùng phát thành đám cháy lớn, thiêu rụi toàn bộ sản
nghiệp.
Tại khu nhà kho của một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng
câu mắc điện thiếu an toàn. Các dây dẫn điện đã quá cũ lại câu mắc chằng chịt
trong nhà kho; hàng hóa sắp xếp che chắn cả lối đi, để gần ổ điện, rất dễ bắt
lửa. Nghiêm trọng hơn, một số cơ sở còn để xe mô-tô trong nhà kho, đây là điều
đặc biệt nghiêm cấm trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, vì nếu chẳng may
xảy ra chập điện phát sinh tia lửa từ xe mô-tô thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Cẩn trọng vẫn hơn
Theo Đại tá Nguyễn Quang Minh - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC
và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh, để đảm bảo an toàn về PCCC tại các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất cần làm tốt những vấn đề sau: Tại các cơ sở sản xuất phải
thành lập Đội PCCC cơ sở, được thường xuyên tập huấn về nghiệp vụ PCCC theo quy
định. Doanh nghiệp phải được trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ chữa cháy
tại chỗ, thường xuyên kiểm tra thay mới các thiết bị đã hư hỏng. Hệ thống điện
sản xuất phải được thường xuyên kiểm tra thay mới, phải luồn vào ống nhựa cách
điện đảm bảo an toàn tránh sự cố chạm chập xảy ra. Hàng hóa phải được sắp xếp
gọn gàng, cách xa nguồn điện, nguồn nhiệt...”.
“Phòng cháy hơn chữa cháy”, đó là khẩu hiệu nhắc nhở mọi
người, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải luôn luôn ghi nhớ, cần
quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác PCCC; đề cao cảnh giác phòng, chống cháy nổ
để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy có thể xảy ra, tạo sự ổn định để
doanh nghiệp phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương
phát triển.