“TRÀO LƯU VÁY HỒNG” tỉnh táo khi dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo

22/02/2025 - 20:25

BDK.VN - Những ngày qua, trên các nền tảng facebook, tiktok... nhiều tài khoản đăng tải hình ảnh bản thân mặc “váy hồng”, “nhân vật hoạt hình natra”... Những bức ảnh này được tạo bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên ứng dụng BeautyCam.

Cần cảnh giác khi dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Không chỉ nữ giới mà cả nam giới cũng sử dụng app này và đăng ảnh bản thân mặc chiếc váy này trên lên mạng xã hội như một trò giải trí. Cùng với đó, lực lượng chức năng nhận được nhiều phản ánh rằng bản thân bị đe doạ tống tiền khi nhận được hình ảnh khuôn mặt của mình trong các clip sex... Nhiều trường hợp bị giả mạo người thân, người quen, cơ quan chức năng gọi điện thoại có hình ảnh để lừa đảo. 

Điều này đồng nghĩa với việc hình ảnh bản thân đã bị sử dụng để cắt ghép và dữ liệu cá nhân có thể bị lộ khi tải ảnh lên máy chủ của nhà cung cấp.

Các ứng dụng ghép mặt yêu cầu người dùng phải cấp những quyền nhất định như quyền truy cập vào album ảnh hay vị trí. Bên cạnh nguy cơ rò rỉ dữ liệu​, một nguy cơ khác là giả mạo và cài cắm mã độc. Các ứng dụng giả mạo BeautyCam có thể chứa mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc bị tấn công mạng.

Người dùng cần thận trọng và chỉ tải ứng dụng từ các nguồn chính thống như Google Play hoặc App Store. Bên cạnh đó, người dùng cần cảnh giác trước các chiêu trò thu phí​. Mặc dù ứng dụng cho phép dùng thử miễn phí trong một tuần, sau đó sẽ bắt đầu tính phí nhưng nhiều người dùng không để ý và có thể bị trừ tiền mà không hay biết.

Công an tỉnh Bến Tre cảnh báo người dân không nên chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân, người thân trong gia đình, cơ quan lên mạng xã hội, đặc biệt là những hình ảnh nhạy cảm, có thể bị lợi dụng để cắt ghép. Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì, đồng thời luôn kiểm tra kỹ nguồn gốc thông tin trước khi chia sẻ hoặc tương tác và không truy cập vào các đường dẫn lạ.

Tuyệt đối không chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của các đối tượng, không tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc có thể chứa mã độc chiếm toàn quyền điều khiển và thực hiện các hành vi như ăn cắp tiền trong tài khoản của người dùng. Người dân cần bình tĩnh khi nhận được tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi đe dọa của kẻ xấu, đồng thời báo ngay tới cơ quan Công an khi phát hiện các hành vi này.

* Thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoạt động rất phức tạp, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động theo nhóm với các kịch bản soạn sẵn, chiếm đoạt số tiền lớn.

Mạo danh cán bộ quân đội, lừa đặt cơm rồi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, vào ngày 22-2-2025, có đối tượng tự xưng là cán bộ quân đội liên hệ với chị D. chủ quán cơm thuộc phường Phú Khương, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre cho biết sắp tới sẽ tập huấn trên địa bàn và đặt 60 suất cơm/bữa, mỗi suất 60.000 đồng, cho vào khay cơm và đặt trong 3 ngày.

Đối tượng xin số tài khoản và báo đã chuyển tiền cho chị D. số tiền 23,4 triệu đồng theo thoả thuận, chụp ảnh phiếu chuyển tiền gửi qua Zalo cho chị D. Đồng thời, liên lạc nhờ chị D. mua số lượng lớn lương khô của quân đội. Khi quán không biết nơi bán lương khô, người này cung cấp số điện thoại một người chuyên bán lương khô phục vụ quân đội trên địa bàn tỉnh.

Do chưa nhận được tiền đặt cọc trong tài khoản, chị D. không làm theo yêu cầu của đối tượng nên chưa xảy ra thiệt hại về tài sản.

Một chủ quán cơm khác trên địa bàn xã Sơn Đông, TP. Bến Tre cũng gặp tình huống tương tự.

Qua vụ việc này, có thể thấy thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này là lợi dụng sự tin tưởng của các chủ quán ăn, các cơ sở kinh doanh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cụ thể: Các đối tượng thu thập số điện thoại các quán ăn trên địa bàn để đặt hàng với số lượng lớn và lợi nhuận cao, sau đó viện lý do để cơ sở kinh doanh này đặt kèm thêm một mặt hàng khác. Từ đó, chúng dẫn dắt chủ cơ sở kinh doanh đến đặt hàng tại nơi mà các đối tượng tạo ra nhằm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Bến Tre đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, khi có vụ việc tương tự cần xác minh, tìm hiểu kỹ và đặc biệt không chuyển tiền, cọc tiền, vật phẩm có giá trị cho những người lạ và kịp thời báo với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, đặt cọc mua hàng hóa cửa hàng không kinh doanh, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản hoặc nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài… thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo khi chưa kiểm tra thông tin. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

            Tin, ảnh: Tiểu Bảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN