
Mít tinh mừng thắng lợi trong đêm đồng khởi 17-1. (Ảnh chụp lại)
Ngày 27-1-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh Đông Dương được ký kết, tạm thời chia nước ta làm hai miền với hai chế độ khác biệt, chờ Tổng tuyển cử tự do toàn quốc thống nhất đất nước, nhưng Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn phản bội, không thi hành hiệp định.
“Đêm trước” Đồng khởi ở Bến Tre
Từ 1956, Mỹ - Diệm liên tiếp mở chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” ở Bến Tre, song song với các chính sách kềm kẹp nhân dân, bắt lính, đôn quân. Chúng đã lập “khu trù mật: Thành Thới (Mỏ Cày), An Hiệp (Châu Thành), An Hiệp (Ba Tri), Thới Thuận (Bình Đại) với ý đồ gom dân vào đây để kềm kẹp, khống chế, tách dân ra khỏi cách mạng, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, tăng cường phát triển ngụy quân. Trước phong trào đấu tranh chính trị ngày càng lên cao của nhân dân, ngày 23-3-1959, Ngô Đình Diệm tuyên bố, đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh và phát động chiến dịch “đồng tâm diệt cộng” với quy mô lớn, đầu tiên là ở Kiến Hòa (Bến Tre). Chúng coi Kiến Hòa là nơi bất trị. Tháng 4-1959, chúng ban hành luật mang tên “Luật 10/59” về thành lập các tòa án quân sự đặc biệt, nhằm đánh vào tất cả lực lượng cách mạng và nhân dân miền Nam. Tháng 7-1959, chúng dùng máy chém thi hành án tử hình tại Tòa án quân đặc biệt này.
Ở Bến Tre, bất kỳ người nào mà chúng gọi là Việt cộng hoặc “chứa chấp” Việt cộng đều bị chúng buộc tội; “nhà nào chứa chấp Việt cộng sẽ bị chặt đầu cả nhà”. Với khẩu hiệu “bắt lầm hơn bỏ sót”, địch đã thẳng tay bắt bớ, đánh đập, tra khảo. Hàng loạt cơ sở cách mạng, cán bộ, đảng viên bị bắt, bị giết. Từ 1954 - 1959, tại Bến Tre, địch đã giết 2.519 người, bỏ tù 17 ngàn người, hàng vạn người khác bị bắt bớ, tra khảo vô cùng dã man, tàn độc. Khi đình chiến, các xã ở Bến Tre đều có chi bộ với khoảng 2.000 đảng viên. Đến cuối 1959, toàn tỉnh chỉ còn 18 chi bộ với khoảng 162 đảng viên ở 115 xã. Có thể nói, “đêm trước Đồng khởi ở Bến Tre, đời sống chính trị - xã hội của nhân dân ta vô cùng ngột ngạt, trong cảnh chết chóc, tù đày, tan thương phủ khắp xóm làng”.
Trước tình thế hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, những đảng viên trung kiên của Đảng luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, tin vào sức mạnh của nhân dân; đã kiên trì vượt qua mọi hiểm nguy, bám dân, sống chết cùng nhân dân. Nhân dân ta một lòng trung kiên theo Đảng, gắn bó, cùng Đảng kiên cường chiến đấu với kẻ thù, kiên quyết không lùi bước. 162 đảng viên trung kiên đã gắn bó với nhân dân như máu với thịt, động viên, giáo dục nhân dân, nuôi dưỡng, xây dựng phòng trào, lực lượng chờ thời cơ hành động.
Vùng lên Đồng khởi
Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp lần thứ 15 (mở rộng), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam. Nghị quyết nêu rõ: “Đường lối cơ bản của cách mạng miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào sức mạnh chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân…”.
Nghị quyết số 15 của Đảng được nhanh chóng quán triệt trong Đảng và quần chúng nhân dân. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ý chí vùng lên giải phóng quê hương đang nung nấu, sục sôi, Đảng với dân đoàn kết một lòng quyết vùng lên giải phóng quê hương. Có thể nói, đón nhận Nghị quyết số 15, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre như “nắng hạn gặp mưa rào” và như quy luật của tự nhiên “tức nước ắt vỡ bờ”, “sức nén lò-xo càng lớn thì sức bật càng cao”. Đêm 17-1-1960, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã nhất tề nổi dậy làm cuộc Đồng Khởi long trời, lở đất, đè bẹp kẻ thù. Ngọn lửa Đồng khởi, tiếng mỏ Đồng khởi, tiếng súng Đồng khởi đã nổ ra lan rộng khắp 3 dãy cù lao, dồn chính quyền Mỹ - Diệm vào thế bị động. Sau 2 đợt Đồng khởi, chúng ta đã giải phóng 2/3 xã trong tỉnh, đẩy chúng rơi vào thế co cụm bị động, không lối thoát.
Từ Bến Tre, phong trào Đồng khởi đã lan rộng toàn miền Nam. Thắng lợi của Đồng khởi ở Bến Tre và toàn miền Nam đã đưa cách mạng miền Nam từ thế phòng ngự, gìn giữ lực lượng sang thế tiến công, tiến công liên tục giành thắng lợi. Có thể khẳng định rằng, thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre là tiếng súng báo hiệu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chính quyền Mỹ - Diệm. Có thể nói, Đồng khởi là tiền đề đưa đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; từ chiến thắng Mậu Thân 1968 đưa đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là một tất yếu lịch sử. Đồng khởi là một “dấu son” trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được ghi vào lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Đồng khởi 1960 là một đợt diễn tập - là tiền đề đưa đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành thắng lợi.
Bài 2: Chuẩn bị lực lượng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Cao Văn Dũng - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy